Xã hội

Dấu ấn toàn diện, rõ nét trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhóm phóng viên 21/06/2023 - 12:19

Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức ngày 19-6 đánh giá, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Đặc biệt, việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực đã từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây...

Đây được coi là dấu mốc quan trọng, cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được hoàn thiện thêm một bước mới, phát triển toàn diện, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

t7-skdl-le-trung-kien.jpg

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên:
Xử lý nhiều tổ chức Đảng và cán bộ vi phạm

Theo dõi Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cho thấy, các ban chỉ đạo đã quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, các cấp đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên và cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo các địa phương đã kịp thời nắm bắt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài Hội nghị toàn quốc do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã, phường.

t7-skdl-pham-tuan-long.jpg

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Tập trung chỉ đạo giải quyết việc khó, vấn đề dư luận bức xúc

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cho thấy, mặc dù còn có những khó khăn, nhưng các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham

gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các đại biểu xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

t7-skdl-nguyen-thi-thanh-.jpg

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, thôn Vân Lôi, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất:
Thực sự không có ngoại lệ, không có "vùng cấm"

Theo dõi toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, tôi đặc biệt ấn tượng với những con số thống kê về công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ sau một năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại 63 tỉnh, thành, đã có 444 vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, có tới gần 80 cán bộ trong cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh bị kỷ luật vì có sai phạm. Điều đó cho thấy nạn tham nhũng thực sự đã trở thành những khối “ung nhọt”, là “giặc nội xâm”, gây nhức nhối dư luận, làm giảm sút niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào uy tín của Đảng và chính quyền.

Việc gần 80 cán bộ trong các cơ quan phòng chống tham nhũng cấp tỉnh bị kỷ luật đã cho thấy, hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành đã thực sự phát huy hiệu quả, không có ngoại lệ, không có “vùng cấm”. Điều người dân mong mỏi là, thời gian tới, các Ban chỉ đạo tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, đưa công tác phòng, chống tham nhũng đi vào thực chất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, hoạt động rầm rộ trong giai đoạn đầu rồi sau đó “nguội” dần, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.

t7-skdl-trinh-thanh-ha.jpg

Bà Trịnh Thanh Hà, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng:
Không để sót những phản ánh từ dư luận

Một trong những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm là hàng loạt các vụ án lớn liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, hoạt động đăng kiểm… sẽ được các cơ quan chức năng xử lý như thế nào? Bởi đây là những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có tổ chức, diễn ra trong thời gian dài, trong đó hàng loạt cán bộ lãnh đạo các cấp “nhúng chàm”. Đáng nói, có những ngành, những lĩnh vực từ lâu đã có tai tiếng về tệ nhũng nhiễu, tiêu cực, như ngành đăng kiểm, nhưng sau nhiều năm mới được các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng.

Phải chăng bao lâu nay chúng ta đã để sót những phản ánh từ dư luận về tham nhũng, tiêu cực? Tại sao nhiều nhân sự sau khi đã “leo” lên các vị trí cán bộ lãnh đạo mới được phát hiện đã từng tham nhũng, tiêu cực ở những vụ việc xảy ra trước đó? Rất mong những vấn đề này sẽ sớm được các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành khắc phục để những vụ việc tham nhũng, tiêu cực cũng như những cá nhân có biểu hiện tham ô, nhũng nhiễu sẽ sớm được phát hiện, xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn toàn diện, rõ nét trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.