(HNM) - Với hơn 300 năm lịch sử, TP Hồ Chí Minh là thành phố trẻ, đang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội mở ra cho nhiều doanh nghiệp và người lao động cả nước, trong đó có những người thợ cầu đường của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long.
Công nhân Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thi công cầu Rạch Chiếc. |
Thi đua vượt tiến độ
Ngày 26-5, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cùng Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 đã tổ chức hợp long cầu Rạch Chiếc (nhánh giữa) trên Xa lộ Hà Nội, nối quận 2 với quận 9. Nhánh giữa cầu Rạch Chiếc có tổng mức đầu tư xây dựng 560 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành 95% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 15-7, vượt tiến độ 5 tháng. Đây là một phần dự án rất quan trọng nhằm khơi thông giao thông trên Xa lộ Hà Nội cũng như khu vực, và việc thông cầu sớm được UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là hai nhà thầu thi công nhánh giữa cầu đều là những đơn vị đầu đàn của ngành GTVT, đóng trụ sở tại Hà Nội.
Đến công trường cầu Rạch Chiếc những ngày đầu tháng 6, có cảm tưởng như đang có đợt thi đua nội bộ tại Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, khi hai dự án cầu vượt lắp ghép nhẹ tại Hà Nội đã hoàn thành vượt tiến độ ba tháng. Còn ở dự án Đường vành đai 3 trên cao, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phan Quốc Hiếu cũng cam kết sẽ vượt tiến độ khoảng nửa năm.
Gắn bó với thành phố mang tên Bác
43 tuổi, Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 18 Thăng Long, đơn vị đang trực tiếp thi công cầu Rạch Chiếc Bùi Xuân Tiến đã có 19 năm sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam bộ. Anh kể về cơ duyên gắn bó với sự nghiệp xây dựng giao thông phía Nam. Vừa rời giảng đường đại học về công tác tại "Tổng" Thăng Long, anh được vận động "vào khai thác thị trường mới Tổng Công ty vừa xâm nhập". Thấm thoắt đã ngót hai chục năm trời. Nhiều lần muốn trở ra Hà Nội, nhưng mảnh đất hiếu khách này đã giữ chân anh lại để xây dựng sự nghiệp, gắn bó với TP mang tên Bác. Anh cùng đồng nghiệp đã tham gia xây dựng một loạt cảng biển ở TP, cầu Nhị Thiên Đường ở quận 8, cầu Phước Kiểng, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cầu Quang Trung (Cần Thơ)… Sau nhiều năm lăn lộn với đất phương Nam, nhiều người về Bắc với gia đình, những người ở lại trở thành cán bộ chủ chốt khi thành lập Công ty cổ phần Xây dựng cầu 18 Thăng Long (năm 2008), được coi là một trong những mũi nhọn chủ lực của "Tổng" Thăng Long cắm chốt tại phía Nam.
Nói về dự án cầu Rạch Chiếc, anh Tiến cho biết, bảo đảm tiến độ không chỉ tạo công việc cho cán bộ, nhân viên mà còn được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ với TP mang tên Bác, là sự tri ân với vong linh các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ cầu để lực lượng chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975. Giọng thoáng trầm, anh Tiến cho biết "so với chiến công năm xưa thì việc vượt tiến độ 5 tháng không có gì đáng kể".
Nói đơn giản vậy, nhưng qua tìm hiểu mới thấy, để vượt tiến độ 5 tháng là nỗ lực rất lớn của các đơn vị. Bên cạnh khó khăn chung như nền đất yếu, khu vực thi công cầu Rạch Chiếc khá phức tạp do giáp ranh giữa ba quận (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức) nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Đội trưởng Đội thi công của Công ty cổ phần Xây dựng số 18 Thăng Long Nguyễn Thế Mộc đã có 37 năm kinh nghiệm ngành cầu đường, từng là Phó Giám đốc Công ty Cầu 11 Thăng Long, đã nghỉ hưu 6 năm nay nhưng vẫn được mời về phụ trách thi công tại công trường. Người đen cháy, thoạt nhìn rất giống người Nam bộ nhưng ông Mộc lại là người Hà Nội gốc. Thoăn thoắt dẫn tôi đi thăm công trường, ông vừa cho biết, các đơn vị đang tập trung tối đa nhân lực, máy móc hoàn thành những phần việc còn lại để bảo đảm thông xe cầu Rạch Chiếc vào 15-7. Ông tự nhận mình là người may mắn khi người vợ giáo viên đảm đang đã xây dựng "hậu phương" vững chắc tại xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Một mình bà chăm lo cho hai con để ông yên tâm "rong ruổi" khắp công trường trong Nam, ngoài Bắc. Ngay cả khi ông đã nghỉ hưu bà vẫn "phê duyệt" cho ông tiếp tục xa nhà, theo đuổi đam mê nghề nghiệp. Ánh mắt bừng lên niềm vui, ông kể sắp tới bà sẽ vào đây thăm ông, thói quen bà vẫn giữ mỗi khi ông đi công trường lâu ngày. Cùng làm việc với ông Mộc, nhiều người đáng tuổi con cháu cũng xác định ở lại và cống hiến cho sự nghiệp giao thông phía Nam như Nguyễn Trọng Quynh, sinh năm 1986 quê Hưng Yên, hay Vũ Tuấn Minh sinh năm 1980 quê ở Ba Vì (Hà Nội) nhưng đã làm rể ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An)… Giám đốc Bùi Xuân Tiến cho biết, công ty luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho anh em ra Bắc nếu có nhu cầu và chỉ giữ lại những người toàn tâm, toàn ý gắn bó với TP Hồ Chí Minh; thiếu nhân lực sẽ tuyển dụng lao động tại địa phương. Chính sự toàn tâm, toàn ý, gắn bó lâu dài đã tạo ra sức mạnh nội lực đáng nể cho đơn vị.
Việc bảo đảm tiến độ và chất lượng đã giúp công ty nói riêng cũng như Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long nói chung tiếp tục khẳng định uy tín thương hiệu. Cầu Rạch Chiếc chưa xong thì doanh nghiệp đã tiếp tục trúng thầu dự án cầu và đường dẫn vào Đại học Sài Gòn bên quận 7 (đã khởi công ngày 14-5 mới đây). Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang xem xét chỉ định để công ty thực hiện các dự án cầu vượt tại một số nút giao trọng điểm như Thủ Đức, Hàng Xanh, Lăng Cha Cả… Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, khẳng định dấu ấn và tài năng của những người thợ cầu đường Thủ đô đối với sự nghiệp phát triển của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.