Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn người mở đường

Khánh Vũ| 25/06/2018 07:06

(HNM) - Ngày 23-6, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam qua đời.

Giáo sư Phan Huy Lê.


Giáo sư (GS) Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1956, ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng trong năm đó, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa toán - lý, hóa - sinh, văn và sử. GS Phan Huy Lê lúc đó vừa tốt nghiệp cử nhân sử - địa đã được nhận vào làm việc tại Khoa Lịch sử dưới sự chỉ dẫn của GS Đào Duy Anh. Chỉ 2 năm sau, ở tuổi 24, ông đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, nói đến GS Phan Huy Lê là nói về một chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm với số lượng công trình nghiên cứu vượt trội và những tổng kết sâu sắc.

Nhiều công trình như "Khởi nghĩa Lam Sơn", "Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam", "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc", "Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288"... được ông hoàn thành sau hàng loạt chuyến đi thực địa, không chỉ bổ sung đáng kể nguồn sử liệu mà còn mở ra hướng nghiên cứu và đào tạo mới gắn chặt với nhu cầu của đời sống thực tiễn. Đó thực sự là những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu.

Kinh tế - xã hội cũng là mảng đề tài mà GS Phan Huy Lê đặc biệt quan tâm. Nổi bật trong mảng đề tài này, ngoài "Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ", còn phải kể đến các bộ địa bạ Hà Nội, Hà Đông, Thái Bình, chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, các cuốn sách, chuyên đề về hình thái kinh tế - xã hội, kết cấu kinh tế - xã hội, làng xã người Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ...

Trong lĩnh vực văn hóa - truyền thống, ông cũng để lại những dấu ấn khó phai mờ với các công trình tiêu biểu "Truyền thống và cách mạng", "Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay", "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại" và hệ thống bài viết về di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội...

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Quang Ngọc, trách nhiệm đặt ra cho GS Phan Huy Lê không phải là từng mảng lịch sử cụ thể mà là tổng kết lịch sử đất nước. Ngay từ năm 1959 ông đã có một tập bài giảng "Lịch sử Việt Nam từ 1406 đến 1858". Hai năm sau, ông cho ra mắt "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam" tập II (1960) và "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam" tập III (1961). Năm 1971, ông cùng GS Trần Quốc Vượng viết "Lịch sử Việt Nam" tập I, được coi là cuốn thông sử đầu tiên dưới chế độ mới.

Đặc biệt, gần đây, trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách "Lịch sử Việt Nam", GS Phan Huy Lê vừa là chủ biên, vừa là tác giả chính của tập I và II, được coi là sự tổng kết cao nhất về giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.

Năm 2017, công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ. Công trình này có bước đột phá về mặt lý luận và phương pháp nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, được giới khoa học quốc tế đánh giá cao.

Điểm đặc biệt ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến, toàn diện, mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, làm nền tảng cho việc thực hiện nhiều nghiên cứu có ý nghĩa khác.

Không chỉ là một nhà khoa học mẫu mực và uyên bác, một nhà giáo tâm huyết, GS Phan Huy Lê còn là người kiến tạo nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa. Ông là người đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức thành công hội thảo quốc tế Việt Nam học, đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm của Việt Nam học toàn thế giới.

Ngoài giảng dạy trong nước, GS Phan Huy Lê còn tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Paris (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)... Năm 2011, ông được bầu làm Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Văn khắc và mỹ văn, Cộng hòa Pháp. Đây là một vị trí danh giá, ghi nhận tài năng, uy tín và đóng góp nổi bật của GS Phan Huy Lê cho sự nghiệp khoa học giáo dục, kết nối học thuật, văn hóa giữa các dân tộc.

Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Yves Goudineau (Pháp), tại lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS Phan Huy Lê, đã phát biểu rằng: GS được các đồng nghiệp tôn trọng và ngưỡng mộ không phải vì liên tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, mà bởi ông là nhà khoa học biết kết hợp phương pháp nghiên cứu truyền thống với các phương pháp hiện đại. Các nghiên cứu của GS mang tính tiên phong và cho đến nay vẫn chưa có ai vượt qua được.

Chính tinh thần cởi mở, trí tuệ, sự nghiêm túc trong khoa học, tinh thần hợp tác quốc tế và tấm lòng nhân ái đã khiến dấu ấn người mở đường trong suốt cuộc đời sử gia của ông trở nên ngày càng đậm nét, trên cả phạm vi quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn người mở đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.