Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn của V.I.Lênin đối với các dân tộc thuộc địa

PGS.TS Bùi Đình Phong| 22/04/2017 07:41

(HNM) - V.I.Lênin - lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và toàn thể nhân dân thế giới, người sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử loài người, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

V.I.Lênin là lãnh tụ vĩ đại, đã mở ra một thời đại mới thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa.


Lênin đã nâng chủ nghĩa xã hội khoa học lên một giai đoạn mới, làm phong phú chủ nghĩa Mác - vũ khí không gì thay thế được của giai cấp vô sản; đã phát triển nguyên lý mác xít về khối liên minh công nông, về chủ nghĩa quốc tế vô sản, về việc xây dựng và củng cố đảng vô sản kiểu mới là tổ chức duy nhất đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị nô dịch, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lênin đã xây dựng lý luận mới về cách mạng xã hội chủ nghĩa, chứng minh khả năng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước riêng lẻ. Học thuyết của Lênin gắn liền với mọi thắng lợi của phe hòa bình và dân chủ trên thế giới. Sắc lệnh hòa bình của Lênin được ban hành ngay sau thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã cổ vũ đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh để bảo vệ và củng cố hòa bình chống lực lượng gây chiến do chủ nghĩa đế quốc gây ra. Nguyên tắc làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của Lênin là chung sống hòa bình, không can thiệp vào nội bộ của các nước khác, về quyền bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chỉ cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc con đường đấu tranh giành thống nhất và độc lập dân tộc.

Hồ Chí Minh đánh giá cao cống hiến của Lênin đối với các dân tộc thuộc địa. Theo Người, Lênin đã mở ra một thời đại mới thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa; là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội coi học thuyết của Lênin khác nào mặt trời đưa lại nguồn sống tươi vui. Lênin là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất. Không phải chỉ thiên tài, mà chính tinh thần yêu lao động, đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc Châu Á và khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi. Lênin là người đầu tiên kiên quyết lên án mọi thành kiến đối với nhân dân các nước thuộc địa. Những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc đã đưa tới cuộc cách mạng lớn lao trong tất cả các nước bị áp bức trên thế giới. Lênin là người đầu tiên đã hiểu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết đúng đắn vấn đề thuộc địa đối với cách mạng thế giới; việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa tham gia phong trào cách mạng. Trong tất cả các cuộc đại hội của quốc tế, vấn đề thuộc địa luôn luôn được Lênin đặt lên hàng đầu với nhận thức nếu không có nhân dân các nước thuộc địa tham gia thì không thể có cách mạng xã hội. Với tinh thần sáng suốt của mình, Lênin đã nhận thấy rằng muốn cho công tác trong các nước thuộc địa thành công tốt đẹp thì phải lợi dụng triệt để phong trào giải phóng dân tộc lan rộng trong các nước đó.

Đối với cách mạng Việt Nam, ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chủ nghĩa Lênin là cẩm nang thần kỳ. Hồ Chí Minh khẳng định: “Luận cương của Lênin là cái cần thiết cho đồng bào bị đọa đày đau khổ, là con đường giải phóng chúng ta”. Người nhấn mạnh rằng: “Lênin đã để lại cho chúng tôi một kho tàng quý báu vô ngần: học thuyết của Người về cơ sở tư tưởng, về những nguyên tắc tổ chức, về lý luận và sách lược của đảng cách mạng. Chủ nghĩa Lênin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”. Chủ nghĩa Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Khi viết về việc được tiếp thụ ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Lênin, Người cho rằng: “Điều đó tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Tiếng sấm Cách mạng Tháng Mười thúc đẩy những người Việt Nam yêu nước hướng về phía Liên Xô, hấp thụ lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin và bắt đầu truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa ấy vào Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1930, chấm dứt hoàn toàn sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối, tổ chức và phương pháp cứu nước. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Lênin, Đảng Lao động Việt Nam khi đó đã được nhân dân tin tưởng, coi là đội tiên phong giác ngộ của mình, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi đó là do Đảng ta đã vận dụng những lời dạy của Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam. Đó cũng chính là một trong những bài học lớn qua hơn 30 năm đổi mới khi Đảng ta khẳng định phải vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn của V.I.Lênin đối với các dân tộc thuộc địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.