Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn của một chủ tịch hội phụ nữ

Nguyễn Quốc Ân| 02/11/2013 06:51

(HNM) - Bản Mường Yên Cư, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, giờ không còn cảnh nghèo đói xưa kia, đã có nhiều nhà cao tầng ở khắp các ngõ xóm. Trong đó, có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ được bà Đinh Thị Chính - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh động viên, hướng dẫn cách phát triển kinh tế.

Gia đình bà Chính dần trở nên khá giả nhờ chăn nuôi và làm ra sản phẩm từ cây trúc (lọ hoa, lọ tăm, lọ đựng bút, điếu cày, tiêu, sáo…). Các sản phẩm từ cây trúc thường được bán cho du khách đến các khu du lịch trên địa bàn huyện như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Hồ Tiên Sa… và các điểm du lịch ở nhiều tỉnh trong mùa lễ hội. Nhờ vậy, gia đình bà đã làm được nhà kiên cố, mua hai xe máy và nuôi hai con ăn học chu đáo. Ngoài việc làm giàu cho bản thân và gia đình mình, bà Chính còn vận động phụ nữ xã phát triển kinh tế vườn rừng và làm thêm nghề phụ phục vụ du khách ở các khu du lịch trong vùng. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của bà Chính, gần 20 gia đình hội viên đã kết hợp nuôi gà đồi, lợn Mường và làm các sản phẩm từ cây trúc. Thấy nhiều người muốn phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn, bà Chính lại vận động tham gia Tổ phụ nữ tiết kiệm, giúp đỡ trên 40 hộ gia đình được vay vốn. Nhờ đó, gần 100 gia đình đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sữa. Hiện cả xã Tản Lĩnh đã có gần 200 hộ gia đình hội viên phụ nữ nuôi bò sữa và tổng đàn bò sữa của cả xã lên tới hơn 800 con.

Với cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà Chính còn đi đầu trong việc khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Bà đã cùng 20 hội viên ở chi hội Đầm Bát thành lập đội cồng chiêng, bản thân bà cũng là thành viên của đội. Các thành viên góp tiền mua dụng cụ rồi mời các bậc cao niên trong làng dạy múa, hát các bài hát Mường, đánh cồng chiêng. Khi đội cồng chiêng Đầm Bát thuần thục, bà Chính liên hệ với các khu du lịch để biểu diễn phục vụ du khách. Từ một đội cồng chiêng ban đầu đó, đến năm 2013, cả 4 bản Mường trong xã đều có đội cồng chiêng. Mỗi đội có một bộ cồng chiêng gồm 12 chiếc, thường xuyên biểu diễn ở các hội nghị của xã và các khu du lịch.

Việc đầu tư phát triển kinh tế từ chính lợi thế của địa phương đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình Mường ở xã Tản Lĩnh. Đến nay, xã Tản Lĩnh có 3.065/3.570 hộ có mức sống khá và giàu, chỉ còn 10% số hộ ở diện nghèo. Trong đổi thay đó, có dấu ấn không nhỏ của bà Chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn của một chủ tịch hội phụ nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.