Dải đất miền Trung khô cằn, khắc nghiệt song rất đỗi anh dũng, quật cường sẽ là tâm điểm chú ý của khán giả khi đến với cầu truyền hình “Tiếng gọi non sông” do 3 đài phát thanh và truyền hình: Hà Nội- Quảng Trị - Quảng Ngãi phối hợp thực hiện. Đây cũng là chương trình đặc biêt kỷ niệm 31 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và chào mừng thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng.
Dải đất miền Trung khô cằn, khắc nghiệt song rất đỗi anh dũng, quật cường sẽ là tâm điểm chú ý của khán giả khi đến với cầu truyền hình “Tiếng gọi non sông” do 3 đài phát thanh và truyền hình: Hà Nội- Quảng Trị - Quảng Ngãi phối hợp thực hiện. Đây cũng là chương trình đặc biêt kỷ niệm 31 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và chào mừng thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng.
Chương trình sẽ được phát trực tiếp vào lúc 20h ngày 30-4-2006 trên cả sóng phát thanh và truyền hình của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội - Quảng Trị - Quảng Ngãi cùng một số địa phương khác. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Ngọc Thắng - tổng đạo diễn chương trình.
PV:Được biết Đài PT-TH Hà Nội đã nhiều lần tham gia hoặc làm chủ các chương trình cầu truyền hình trực tiếp với các đài bạn. Vậy chương trình cầu truyền hình lần này có điểm gì khác biệt, thưa ông ?
Ông C.N.T: Nếu nói là khác biệt thì cũng chưa đúng, song chương trình lần này sẽ có nhiều nét mới. Những chương trình trước chỉ có 2 điểm cầu, chương trình này sẽ là 3 điểm. Các nhân chứng ở các điểm cầu sẽ giao lưu với nhau qua truyền hình. Chương trình lần này cũng huy động đa số các phóng viên, kỹ thuật viên trẻ tham gia để họ phát huy sự sáng tạo của mình. Hơn nữa, sau chương trình này đài HN sẽ đưa dần các bạn trẻ vào làm chủ các chương trình truyền hình trực tiếp, để họ dần nắm bắt các kỹ năng của nghiệp vụ làm truyền hình hiện đại.
PV:Xin ông cho biết chủ đề chính của chương trình ?
Ông C.N.T: Tên của chương trình “Tiếng gọi non sông” được chúng tôi lấy ý tưởng từ các chương trình cầu truyền hình đã thực hiện trước đây. Năm 2005 là 2 chương trình “Thiêng liêng Côn Đảo” - kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và “Non sông liềnmột dải” - kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam. Năm 2006, 2 chương trình “Nhớ về thủ đô kháng chiến” và “Tiếng gọi non sông” chính là sự tiếp nối mạch truyền thống của dân tộc, thể hiện tinh thần anh dũng, kiên trung của các thế hệ Việt Nam. Tiếng gọi đó đã thúc giục các thế hệ hôm qua lên đường chiến đấu vì lý tưởng giải phóng dân tộc, và trong thời bình, theo tiếng gọi của Tổ quốc, các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay lại tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Chúng tôi cũng muốn qua chương trình này khắc họa lại chân dung của cả một thế hệ cầm súng chiến đấu, khơi dậy cho thế hệ trẻ hôm nay lý tưởng và hoài bão để họ gánh vác sứ mệnh mà cha ông chúng ta đã trao lại.
P.V:Chắc hẳn chương trình sẽ có sự tham gia của những nhân chứng “đặc biệt”?
Ông C.N.T: Đúng thế, họ là những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, hoặc những văn nghệ sĩ đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ... Trong đó có những nghệ sĩ mà tên tuổi đã gắn liền với những tác phẩm điện ảnh, âm nhạc nổi tiếng. Sẽ có những cuộc gặp bất ngờ và cảm động giữa những người đồng đội, đồng nghiệp ở các điểm cầu. Mảnh đất Quảng Trị và Quảng Ngãi có quá nhiều kỷ niệm với những người lính thủ đô cũng như cả nước. Chúng tôi đã đưa một số nhân chứng trở về thăm lại nơi họ đã từng gắn bó, như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi... để họ tìm lại những cảm xúc. Hy vọng khán giả sẽ có những phút giây thực sự chân thực và lắng đọng khi đến với chương trình.
P.V: Xin cảm ơn ông và chúc chương trình “Tiếng gọi non sông” sẽ thành công tốt đẹp !
Đình Thanh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.