(HNM) - Sau thành công của nhóm môn chủ lực tại Olympic như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, đến lượt rowing - một môn thế mạnh khác trong hệ thống thi đấu Olympic của thể thao lên tiếng với việc giành 4 HCV trong ngày 14-6 để kết thúc đại hội với 8 HCV.
Tại hai kỳ ASIAD gần đây nhất, rowing Việt Nam tạo dấu ấn với những tấm HCB, HCĐ. Tại Olympic 2012, rowing Việt Nam cũng từng góp mặt nhờ tấm vé chính thức của bộ đôi Phạm Thị Hài - Phạm Thị Thảo. Những đóng góp không nhỏ cho thể thao Việt Nam khiến rowing được kỳ vọng rất nhiều tại SEA Games này dù mức đầu tư còn khiêm tốn so với nhiều quốc gia. Không kể, cùng "con một nhà" là đua thuyền nên rowing phải có trách nhiệm "gánh" HCV cho cả người anh em canoeing đang trên đà trẻ hóa. Trước đó, canoeing chỉ giành 1 HCV nên đua thuyền Việt Nam càng trông chờ vào sự tỏa sáng của các tay chèo môn rowing. Đến khi kết thúc các nội dung thi đấu vào trưa 14-6, những người có trách nhiệm ở đội tuyển rowing đã thở phào nhẹ nhõm. Giành thêm 4 HCV với chủ nhân gồm Lê Thị An - Phạm Thị Huệ (đôi nữ cự ly 1.000m), Phạm Thị Thảo - Tạ Thanh Huyền (thuyền mái nhẹ đôi nữ 1.000m), Nguyễn Văn Linh (thuyền mái nhẹ đơn nam 1.000m), Cao Thị Hảo, Phạm Thị Huệ, Trần Thị An và Nguyễn Thị Trịnh (đồng đội nữ, nội dung thuyền mái nhẹ 4 nữ cự ly 1.000m), rowing Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu với 8 HCV, ngang ngửa về số HCV với đoàn đứng đầu cực mạnh là Indonesia. Trong số này, các tay chèo Hà Nội cũng đóng góp một nửa trong tổng số HCV, tiếp tục chứng tỏ sự phát triển ổn định của rowing Hà Nội.
Việc tiếp tục thi đấu thành công tại SEA Games 28 đã cho thấy vị thế và tiềm năng của rowing trong làng thể thao Việt Nam. Vấn đề còn nằm ở sự phát triển của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam trong những năm qua, nhờ vậy đã góp sức cùng ngành thể thao tạo ra những lớp VĐV có thể kế thừa xuất sắc lứa trước. Dù vậy, sân chơi SEA Games chưa đánh giá hết và đầy đủ tiềm năng của rowing Việt Nam cũng như chỉ là nơi để các tay chèo Việt Nam hướng đến những mục tiêu xa hơn. Nhưng ít ra, các nhà hoạch định chiến lược cũng có cơ sở để đặt niềm tin vào môn thể thao Olympic như rowing.
Cũng trong ngày 14-6, có thêm 2 tấm HCV khác đến từ hai môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic: Cung
thủ Nguyễn Tiến Cương đã giành HCV nội dung cung ba dây đơn nam khi chiến thắng đầy kịch tính với tỷ số 138-137 trước VĐV Malaysia Ruslan Zulfadhli. Tại SEA Games này, đội tuyển bắn cung Việt Nam giành tổng cộng 2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Đứng đầu là Malaysia (5 HCV), nhì: Indonesia (2 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ).
Trong khi đó, ở môn taekwondo, võ sĩ Hà Thị Nguyên đóng góp 1 HCV ở hạng 62kg nữ vào bảng tổng sắp huy chương của đoàn Việt Nam. Với 5 HCV, đoàn Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương môn taekwondo tại SEA Games 28, góp phần đáng kể vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam. Thế nhưng, người ta vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào môn đấu từng mang lại tấm HCB đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Rõ nhất là ở Giải vô địch thế giới vừa qua, nhiều võ sĩ Việt Nam dự SEA Games này và đã đăng quang như Nguyễn Văn Duy, đều thất bại nhanh chóng ở vòng ngoài. Không kể, trong 5 tấm HCV của đội Việt Nam, cũng có tới 2 HCV đến từ nội dung quyền - chưa có trong chương trình thi đấu Olympic. Nên nếu kể chính xác số HCV của taekwondo ở nhóm các nội dung thi đấu tại Olympic thì chỉ có 3 HCV. Tất cả để thấy, dù đóng góp đáng kể vào bảng tổng sắp huy chương của đoàn, chứng tỏ được vị thế và sự vững vàng của mình thì taekwondo vẫn còn nhiều việc phải làm để có một ngày nào đó rộng đường đến Olympic bằng vé chính thức.
Điều đáng mừng nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games này là sự vươn lên mạnh mẽ cũng như sự ổn định của những môn Olympic. Đó là nền tảng vững vàng để thể thao Việt Nam đầu tư quyết liệt cho các môn thi đấu trong chương trình thi đấu thuộc Olympic và ASIAD. Đến hôm qua, những môn như rowing, taekwondo, bắn cung đã phần nào chứng minh được hướng đi của thể thao Việt Nam đang chuẩn xác.
Dấu ấn của những môn không thuộc khuôn khổ Olympic và ASIAD Tất nhiên, để chứng tỏ vị thế tại SEA Games, thể thao Việt Nam không thể thiếu những môn chưa có trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD. Hôm qua, pencak silat góp thêm 2 tấm HCV trong 6 trận chung kết với chủ nhân là Diệp Ngọc Vũ Minh (dưới 50kg nam) và Hoàng Thị Loan (dưới 60kg nữ). Trên bảng tổng sắp huy chương môn pencak silat, dù cùng 3 HCV như các đoàn Indonesia, Malaysia, Thái Lan song đoàn Việt Nam vẫn dẫn đầu nhờ hơn về số HCB. Đến cuối ngày thi đấu 14-6, Đoàn thể thao Việt Nam vẫn xếp thứ 3 toàn đoàn với 73 HCV, 51 HCB, 56 HCĐ. Xếp thứ nhất đang là Thái Lan (87 HCV, 83 HCB, 64 HCĐ), thứ nhì là Singapore (82 HCV, 72 HCB, 98 HCĐ). Với số HCV như trên, đoàn Việt Nam chắc chắn giành ngôi thứ ba toàn đoàn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.