Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn Atlantis?

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 21/07/2013 06:37

Vườn hình học Nazca được coi như di sản của một nền văn minh có từ thời tiền sử, xa lạ với những tri thức hiện đại của loài người. Những bí ẩn trong việc xây dựng thành phố bằng đá Machu Picchu trên độ cao 2.430m so với mực nước biển cũng đang được các nhà khoa học tiếp tục khám phá.

Đây là một trong những di sản còn lại của người Inca cổ bị quên lãng và mới được tìm thấy đầu thế kỷ XX, hiện chưa xác định được chính xác niên đại. Với diện tích tổng cộng gần 32.600ha, thành phố được làm dựa trên thế núi tự nhiên, với nhiều cột đá tự nhiên. Bên ngoài thành phố là di chỉ

của một bãi khai thác đá rộng 30.000m2 được cho là nơi chế tác đá để xây dựng thành phố này. Kỹ thuật chế tác đá ở đây đạt trình độ tinh xảo, đến thời nay với máy móc hiện đại cũng không thể làm được. Các viên đá được mài nhẵn rồi xếp chồng khít lên nhau bởi những móc nối. Chân tường được đục đẽo từ những khối đá tự nhiên. Những khối đá có nhiều hình dạng, kích thước, khối nặng nhất tới 50 tấn, nhiều khối có đến 30 góc cạnh. Nhà ở đây được làm theo lối kiến trúc truyền thống của người Inca, trừ một ngôi đền có ba cửa sổ mà đến nay các nhà khoa học vẫn không rõ tác dụng của nó. Những kiến trúc ở đây cho thấy trình độ xây dựng thành phố Machu Picchu có một số nét tương đồng như việc xây dựng những Kim tự tháp ở Ai Cập cách đây gần 5.000 năm.

Với việc không thể lý giải được về nền văn minh này, ngay từ thế kỷ XVI, nhiều nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết cho rằng đây là hậu duệ của nền văn minh Atlantis. Người đầu tiên nhắc đến Atlantis là triết gia Platon người Hy Lạp. Năm 360 trước Công nguyên (TCN), Platon đã viết một tác phẩm nhằm ghi chép lại cuộc đối thoại tưởng tượng của bốn người gồm hai chính trị gia Critias, Hermocrates và hai triết gia là Socrates, Timaeus xứ Locri. Trong cuộc tranh luận, Critias đã nhắc đến tài liệu mà ông có, ghi chép về chuyến thăm tới Ai Cập của nhà lập pháp của Athens là Solon vào thế kỷ VI TCN. Tại đây, ông gặp một tu sĩ của Sai và được dịch lịch sử của Athens cổ đại và Atlantis từ chữ tượng hình Ai Cập sang tiếng Hy Lạp. Theo Critias, các vị thần Hy Lạp đã chia Trái đất làm hai phần, lục địa Atlantic rộng lớn nhất được giao cho Poseido. Từ đó, đế chế Atlantis đã được phát triển với thành phố được xây bằng đá cùng nhiều tri thức phát triển khác. Cũng theo Critias, cách thời ông sống 9.000 năm, đã xảy ra cuộc chiến giữa người Atlantis và phần còn lại. Người Atlantis đã chinh phạt nhiều vùng đất như Libya, Ai Cập, lục địa Châu Âu và bắt những người bại trận làm nô lệ. Người Athens đã dẫn đầu một liên minh rộng lớn để chiến đấu chống lại Đế chế Atlantis. Nhưng rồi một ngày xảy ra động đất với lũ lụt nhấn chìm toàn bộ lục địa Atlantis vào biển cả và biến mất. Đại dương tại vị trí đó không thể đi qua, bị chặn bởi bùn lầy.

Từ tài liệu của Platon, lục địa Atlantis, nếu từng có trong quá khứ cũng không hẳn bị biến mất hoàn toàn. Có thể nền văn minh đó bị hủy diệt nhưng vẫn có khả năng còn người sống sót và tiếp tục xây dựng những nền văn minh huyền thoại, bí ẩn tiếp theo trên đất Châu Mỹ như Maya, tiền Inca rồi Inca mà chúng ta từng biết đến.

Kết quả kỳ trước. Tính 14 x 8, H1: 2A + 1B + 1D, H2: 1A + 1B. Ở H2, bỏ 1A và đặt vào H3: 10A + 5B + 5D. Bỏ tiếp 1B ở H2, thêm vào H3: 6A + 3B + 3D. Bây giờ bỏ hết H1 rồi chuyển hết H3 xuống H1 cùng cột, có: 16A + 8B + 8D. Thay H1: 16A bởi H2: 1C, thay 7B bởi 4A + 1D. Lại thay 8D bởi 1A + 1B. Kết quả, H2: 1B, H1: 5A + 2B + 1D hay 2 x 40 + 5 x 5 + 2 x 3 + 1 = 112.

Kỳ này. Thành phố bằng đá Machu Picchu được tìm thấy năm nào ở thế kỷ XX? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Atlantis?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.