(HNM) - Do công tác quản lý, sử dụng đất đai lỏng lẻo, nên nhiều hộ dân xã Thọ Xuân đã tự ý làm nhà trên đất nông nghiệp và đất xen kẹt trong khu dân cư, tập trung nhiều ở các cụm dân cư số 2, 3, 4…
Thực hiện Kết luận số 03-KL/HU ngày 28-5-2007 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, xã Thọ Xuân đã tiến hành rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm. Tính từ năm 1993 đến tháng 7-2008, có hơn 400 hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp, thuộc khu vực đất trồng màu liền kề khu dân cư, đất xen kẹt, để xây dựng nhà tạm, thậm chí xây dựng cả nhà kiên cố. Ngoài ra, còn có 63 trường hợp lấn chiếm 6.218m2 đất công và hành lang bảo vệ đường bộ.
Đối với những trường hợp vi phạm, thì 5 trường hợp ở cụm 1 và 7 được UBND xã Thọ Xuân đề xuất phương án tháo dỡ; 6 trường hợp ở các cụm 2, 6, 9 cho khoán sản lượng và những trường hợp vi phạm còn lại được xã đề nghị huyện xem xét... "hợp thức hóa". Ông Lê Tiến Điền, Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân cho biết, "lãnh đạo huyện Đan Phượng không đồng ý, nhưng cũng chưa có biện pháp cụ thể chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm, nên chúng tôi vẫn chờ…". Và thế là, những ngôi nhà được dựng trên đất nông nghiệp, đất xen kẹt ở Thọ Xuân nghiễm nhiên tồn tại hàng chục năm nay. Trong số các hộ vi phạm, có một số trường hợp là đảng viên, cán bộ xã như gia đình các ông: Trần Minh Quân, Đoàn Văn Hòa, Trần Văn Toản…
Những ngôi nhà kiên cố "mọc" lên trên đất xen kẹt ở cụm 2, xã Thọ Xuân. |
Không những thế, từ năm 2008 đến nay, xã Thọ Xuân còn để phát sinh thêm 143 trường hợp vi phạm, với diện tích 10.422,2m2, trong đó có 23 hộ nâng cấp, xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp tại xứ đồng Đạc 4 (cụm 4). Khu đất vi phạm liền kề khu dân cư và nằm dọc tuyến đường N4 (dự án đường nối từ tỉnh lộ 417 đến đê hữu Hồng, đoạn qua địa phận xã Thọ Xuân). Thế nhưng, UBND xã Thọ Xuân mới chỉ lập biên bản vi phạm đối với 46 trường hợp, xử lý tháo dỡ được 5 trường hợp. Các trường hợp còn lại chưa bị xử lý, nên các gia đình vẫn tiếp tục xây dựng nhà lên đến 2-3 tầng… Có những trường hợp xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp ở xứ đồng Đạc 4, chỉ cách trụ sở UBND xã gần 500m, nhưng cán bộ xã cũng không phát hiện (?). Đến khi chính quyền biết thì nhiều công trình đã chuyển sang giai đoạn hoàn thiện. Ông Lê Tiến Điền, Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân lý giải: Nhiều trường hợp vi phạm là người thân, anh em ruột, họ mạc, hàng xóm của cụm trưởng cụm dân cư hoặc bí thư chi bộ khiến cho lực lượng được coi là "cánh tay dài" của UBND xã nể nang, né tránh, không phát huy hết trách nhiệm...
Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đan Phượng cho biết: Đến ngày 11-7-2011, UBND xã Thọ Xuân mới lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 hộ tại xứ đồng Đạc 4 (2 hộ xây nhà tạm, 11 hộ xây nhà cấp 4, 10 hộ xây nhà kiên cố 2-3 tầng). Cuối tháng 10-2011, UBND xã Thọ Xuân tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình nhà cấp 4, nhà kiên cố của 13 hộ ở cụm 4. Chính sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm của chính quyền, khiến người dân cho rằng "được"… xây nhà trên đất nông nghiệp, đất xen kẹt. Chính vì thế, nhiều hộ đã đầu tư từ 50 triệu đến 400 triệu đồng để xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm, dẫn đến thiệt hại lớn cho người dân khi phải cưỡng chế, phá dỡ.
Thiết nghĩ, 13 trường hợp bị cưỡng chế, tháo dỡ là con số rất nhỏ so với thực tế vi phạm về lĩnh vực đất đai tại xã Thọ Xuân. Nếu hàng trăm trường hợp vi phạm khác, cùng những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa bị xử lý dứt điểm, chắc chắn xã Thọ Xuân chưa thể ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.