Kinh tế

Đất nước có nhiều động lực tăng trưởng cao trong năm 2025

Mai Hữu 15/02/2025 15:30

Chiều 15-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

quoc-hoi5.jpg
Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 15-2. Ảnh: media.quochoi.vn

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, sẽ là thách thức lớn khi năm 2025, đất nước còn rất nhiều việc phải làm, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường. “Xây dựng tăng trưởng với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên là đúng, hợp lý, tuy nhiên, để đạt được cần sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được”, đại biểu nói.

quoc-hoi6.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị trong Nghị quyết nên bổ sung tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tham vấn, không nên đưa việc phải sửa luật này, luật kia cụ thể như trong dự thảo Nghị quyết, để từ đó làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo, tạo không gian phát triển mới.

Phân tích các trụ cột tăng trưởng chính, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đề nghị cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để nền kinh tế hấp thụ nhanh nguồn vốn đầu tư công ngay trong 6 tháng đầu năm. Trong đó cần quan tâm đến các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đánh giá sát hơn những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp chủ động các biện pháp chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới.

Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần thay đổi quy trình thủ tục để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có thay đổi trong quản trị là giao chỉ tiêu cho các địa phương. Nếu có sự đồng hành từ địa phương, nhất là tăng trưởng cả nước dựa vào các địa phương, thì việc giao chỉ tiêu là hoàn toàn hợp lý. “Tuy nhiên, các chỉ tiêu này cần mang tính động lực. Chẳng hạn, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được giao tăng trưởng 8% - 8,5%, nhưng nếu 2 thành phố tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được mục tiêu chung cả nước trong năm 2025”, đại biểu nói.

quoc-hoi7.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Kích thích các động lực tăng trưởng

Bên cạnh các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có giải pháp rất cụ thể để kích thích các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; chính sách tài khóa cần đồng hành với chính sách tiền tệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, đặc biệt ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Bên cạnh đó, đại biểu khẳng định, vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số là nền tảng để tăng năng suất lao động và năng lực sản xuất, do vậy cần có chính sách ưu đãi đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình), dự án thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết nhằm tránh phiền hà trong khi đấu thầu. Đại biểu cũng đề xuất, các doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không nên lấn sân sang nhiệm vụ khác; đồng thời kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu việc giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, tài nguyên, khoáng sản cần khai thác càng sớm càng tốt. Không nên có tư duy “để đấy cho con cháu” bởi nếu chúng ta làm được sẽ nhân tài sản để phát triển hạ tầng, phát triển những lĩnh vực đang cần thiết.

quoc-hoi8.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn

Tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đất nước có nhiều động lực tăng trưởng cao trong năm 2025. Từ vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; các điểm nghẽn về thể chế đã và đang được sửa đổi và hoàn thiện; cả nước đang quyết liệt thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; chính trị - kinh tế - xã hội ổn định… “Đây là những điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể phát triển nhanh”, Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết phải tập trung triển khai ngay việc hoàn thiện thể chế pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển; hoàn thành sớm, nhanh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không để gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, tận dụng các dòng đầu tư thương mại thế giới; cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nước có nhiều động lực tăng trưởng cao trong năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.