Mặc cho mưa mỗi lúc một nặng hạt, ông Luyến - Phó thôn Yên Duyên (xã Yên Sở) vẫn chụp vội chiếc mũ vải, đoạn tong tả lên xe đưa tôi ra phía hồ nước đầu làng.
Đất lấn chiếm và bỏ hoang tại xã Trần Phú ... |
Mặc cho mưa mỗi lúc một nặng hạt, ông Luyến - Phó thôn Yên Duyên (xã Yên Sở) vẫn chụp vội chiếc mũ vải, đoạn tong tả lên xe đưa tôi ra phía hồ nước đầu làng. "Giờ thì đỡ căng rồi, chứ mươi lăm hôm trước chúng tôi ra cản không cho họ lấp ao, hồ, mấy tay thầu khoán đổ đất còn sừng sộ, chửi bới khó nghe lắm. "Căng" đến nỗi bên công an phải nổ súng chỉ thiên cơ mà..." - vừa bon bon xe, ông vừa rốt ráu kể. Yên Sở là một trong số 9 xã của huyện Thanh Trì nhập cùng 5 phường được "cắt" ra từ quận Hai Bà Trưng, để hình thành quận mới Vạn Xuân (dự kiến sẽ ra mắt trong quý IV năm nay). Nghĩa là, chậm nhất cũng chỉ không đầy 6 tháng nữa, dân làng sẽ "biến" thành người nội thành...
Căn lán "canh giữ ao" của ông Luyến nom... tạm bợ chả kém gì nơi ở của cánh thợ xây, cũng cọc tre, vải bạt và đôi tấm ván dài thưỡn kê gạch trên nền đất ẩm! Lán có 14 tổ viên do đích thân ông Chủ tịch xã làm tổ trưởng. Cả xã Yên Sở hiện giờ có 3 lán trông coi thế này, hai cái còn lại do ông Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã đảm trách. Nguyên nhân khiến cho toàn bộ ban, ngành, đoàn thể của xã, cán bộ thôn... phải thay nhau 24/24h ra "canh ao" là do cách đây chừng hơn tháng, các đội sản xuất của thôn Yên Duyên và Sở Thượng (xã có 2 thôn) đều nhất loạt kiến nghị xin chuyển đổi từ nuôi cá sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh. Lý do người dân đưa ra là phần lớn diện tích ao hồ đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải chăn nuôi, chưa kể rác, nước thải của con người cũng xả thẳng xuống các ao, hồ. Yên Sở là "vựa cá" lớn nhất, cư dân ở đây xưa nay chỉ biết cấy lúa, thả cá, chăn nuôi, trồng rau vườn. Người làng cũng chẳng có nghề thủ công (trước đây, nghề thêu thảm đã "chết" từ đầu những năm 1990 khi Liên Xô và Đông Âu tan rã). Kiến nghị của bà con rất hợp lý, nhưng đề đạt lên, huyện còn đang xem xét, nghiên cứu thì bà con lại "sốt ruột" quá mà... tự ý chuyển đổi (lại đúng vào thời điểm nhạy cảm "lên" quận!). Kết quả là thôn Sở Thượng có 3 cụm dân cư thì cả 3 cụm đều đồng loạt ra quân lấp ao và đã "cơ bản" lấp xong toàn bộ ao, hồ. "Đầu xuôi"... nên bên Yên Duyên thấy thế cũng hùa theo... Cao điểm mỗi đêm ở đây có từ 40 - 50 xe "ben" hoạt động, đất cát đổ xuống được cánh "máy ủi" phối hợp nhịp nhàng. Chỉ đến khi Huyện ủy, UBND huyện Thanh Trì ban hành gấp chỉ thị giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở (trong đó qui định nếu nơi nào để xảy ra 10 trường hợp vi phạm đất đai trở lên, kể từ ngày 1 - 6, cán bộ cơ sở sẽ bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị cách chức, truy tố) thì tình trạng trên mới được ngăn chặn. Và thế là hàng ngày tổ "giữ ao" do ông Luyến tham gia luôn phải lần lượt thay phiên nhau canh không cho ô tô vào đổ đất san lấp.
Chúng tôi tiếp tục chạy xe quanh khu vực chùa Yên Sở, non nửa đoạn ao ở đây đã bị lấn lấp nham nhở, hai chiếc máy xúc nằm chình ình, còn ngay đầu đường cũng "mọc" lên một chiếc lán của dân nhận thầu đổ ao (chắc để coi máy và nghe ngóng động tĩnh). Không xa lắm, phía khu hồ 1,9 ha ngoài đầu làng tốc độ lấp cũng không kém, từng dải đất cao lừng lững đổ xuống nom vững chãi như bờ đê. Cũng may thôn Yên Duyên mới chỉ có 2 cụm dân cư này "ra tay" chứ chưa phải cả làng "đồng loạt lấp ao" như Sở Thượng! Theo như lời ông Đoàn - cán bộ địa chính xã thì hiện các tổ "giữ ao" vẫn kiên quyết không cho ô tô vào đổ đất, song đồng thời xã cũng đang làm thủ tục xin huyện cho ý kiến để người dân sớm được chuyển đổi sang trồng rau sạch, hoa, v.v... Thôi thì, đất đổ xuống cả ngàn m2, không lẽ lại thuê xe hút sạch bùn để... tiếp tục nuôi cá (?).
Trong khi Yên Sở "sôi" lên vì chuyện lấp đất, thì khu vực giáp ranh cụm 7 thôn Yên Duyên (thuộc địa phận xã Trần Phú) điều ngạc nhiên là lại có một khoảng đất mênh mông được rào kẽm gai và... bỏ hoang! Một người dân ở đây cho chúng tôi biết khu đất này "trồng cỏ dại" đã gần 5 năm nay. Chính ông Chủ tịch xã Trần Phú ("nhân vật" chính trong bài viết về vi phạm đất đai "Đất công biến thành của riêng" đăng trên báo Hànộimới ngày 8 - 5 - 2003) năm 1999 đã tự ý cho san lấp hồ Đầm Chầu đang nuôi cá để cho thuê đất với mục đích khác. Người dân trong xã lúc đó không tán thành sự mập mờ này đã kiến nghị lên cấp trên. Kết quả là vị Chủ tịch xã Trần Phú đã bị đình chỉ công tác làm kiểm điểm. Tuy nhiên, cũng vẫn ông Chủ tịch này cuối năm 2002 lại lập một hợp đồng mới cho phép chôn cột bê tông cao 3m, rào kẽm gai trên chân đê, vượt sâu mốc giới đê tới 30m, dài gần 500m. Không những thế, chủ hợp đồng mới còn ngang nhiên san ủi cả cơ đê, chôn cột, rào dây kẽm gai cả phần lưu không quốc lộ, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ đê điều. Đông đảo người dân trong xã hiện rất bức xúc và kiến nghị các cấp có thẩm quyền dỡ bỏ ngay hàng rào lấn chiếm chân đê bởi đang vào mùa mưa bão, đây là điểm nóng xung yếu cũng như phải thu hồi diện tích đất bỏ hoang này. Một người dân thậm chí gay gắt: "Nếu không thu hồi sớm, có lẽ ông Chủ tịch xã sẽ lại ký giấy bán như đã từng bán hàng trăm m2 đất trước đó".
Được biết, quan điểm của UBND huyện Thanh Trì sẽ cương quyết chuyển trả những diện tích đất nông nghiệp bị vi phạm, ngoài ra còn tạo điều kiện hỗ trợ để nhân dân trồng hoa, cây cảnh để đất nông nghiệp không bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp kịp thời và quyết liệt, chẳng ai dám chắc hàng ngàn m2 đất lấp ao và bỏ hoang hóa như hai trường hợp kể trên không bị chuyển đổi thành... nhà chia lô hay sử dụng sang mục đích khác. Điều này từng là "bài học kinh nghiệm" xương máu từ những năm trước, khi Hà Nội chuyển một số xã để thành lập các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ mà kết quả là không ít cán bộ đã bị kỷ luật vì buông lỏng quản lý xây dựng và đất đai.
Thiên Hữu Hồng Ly