Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất nông nghiệp bị xâm phạm

Thiện Mỹ| 31/08/2010 07:32

(HNM) - Cùng với "phong trào" giao đất dịch vụ cho người dân của một số xã của huyện Hoài Đức, khoảng năm 1988-1989, UBND xã Đức Giang đã thu hồi đất nông nghiệp của các hộ ở ven quốc lộ 32 để giao cho một số hộ dân làm dịch vụ; đổi lại, các hộ bị thu hồi ruộng lại được chính quyền giao đất nông nghiệp lùi vào phía sau phần đất của các hộ được giao đất dịch vụ ven đường.


Từ khi tách khỏi địa giới xã Đức Giang để thành lập thị trấn Trạm Trôi (năm 1994), các hộ dân ở đây chưa lần nào được giao đất giãn dân nên nhu cầu về đất ở của người dân rất cao, do đó nhiều thửa ruộng ở khu 7 dần dần đã trở thành nhà ở. Năm 1997 và 2004, huyện Hoài Đức đã cho thống kê các trường hợp vi phạm và căn cứ vào quy định của Luật Đất đai, Quyết định 1966 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), đã xử lý hợp thức cho 142 hộ, chủ yếu là các hộ dân nằm ven quốc lộ 32 và đường 79.

Những ngôi nhà tạm xây lửng lơ giữa ruộng ở khu 7 - thị trấn Trạm Trôi.

Đến nay, thị trấn Trạm Trôi vẫn không có quy hoạch chi tiết nên trong quản lý đất đai cũng gặp khá nhiều điều bất cập, nhiều diện tích đất nông nghiệp được người dân ngấm ngầm chuyển nhượng, việc xây dựng trái phép có nhiều diễn biến phức tạp. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho thị trấn xem xét, lập danh sách và phân các trường hợp vi phạm theo từng giai đoạn để huyện có hướng giải quyết cụ thể. Hiện nay, Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND thị trấn đã đo xong hiện trạng khu 7 rộng hơn 3ha, với khoảng 100 hộ sinh sống, dự kiến cuối tháng 9, sẽ hoàn thành danh sách các hộ vi phạm ở khu vực này.

Như vậy, việc có một quy hoạch cụ thể sẽ là điều kiện tốt để công tác quản lý đất đai đạt hiệu quả cao hơn. Song, trước mắt UBND thị trấn cần xử lý nhanh, dứt điểm các trường hợp vi phạm mới để bảo đảm các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm trong thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nông nghiệp bị xâm phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.