(HNM) - Trong những ngày đầu mùa hè, 15 hộ gia đình ở tổ dân phố 20, 21, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) đã bị Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) tạm ngừng cung cấp nước, khiến cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn…
Có mặt tại tổ dân phố 20, 21 phường Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân), chúng tôi ghi nhận nhiều hộ gia đình đang phải huy động mọi dụng cụ có thể để tích nước và mọi sinh hoạt liên quan đến nước sạch phải hạn chế tối đa. Bà Nguyễn Thị Thanh Phương và bà Chu Thị Cúc, tổ dân phố 21 cho biết: Khoảng tháng 7-2010, chúng tôi đóng tiền, đầu tư cùng Viwaco lắp đặt hệ thống đường ống và đồng hồ. Trong quá trình thi công, một người tên là Thành mặc đồng phục, đeo thẻ của Công ty Viwaco đến "rỉ tai": "Nếu được bồi dưỡng 700.000 đồng, tôi sẽ làm cẩn thận và tiết kiệm nước cho gia đình…". Vì tin đó là người của công ty và toàn bộ đường ống, đồng hồ đều do công ty lắp đặt, dưới sự điều hành của anh Phong và anh Ca, chúng tôi đã đưa 700.000 đồng cho anh Thành. Tháng 3-2012, Viwaco phát hiện đồng hồ nước của gia đình tôi và nhiều hộ khác đã bị chỉnh sửa, nên đã tạm dừng cấp nước. Chúng tôi đã làm đơn xin cấp lại nước, nhưng Viwaco truy thu với mức quá cao, khoảng 40 triệu đồng/hộ gia đình, đây là mức thu chưa hợp lý, đề nghị công ty xem xét lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Viwaco đưa ra chiếc đồng hồ nước đã thu hồi của một trong số 15 hộ ở tổ 20, 21 phường Thanh Xuân Nam so với một chiếc đồng hồ mới, ông Việt chỉ cho chúng tôi thấy thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo. Với thủ đoạn này, sai số của đồng hồ có thể lên tới 60%. Trong "Hợp đồng dịch vụ cấp nước hộ gia đình", ghi rõ khách hàng phải có nghĩa vụ "bảo vệ nguyên trạng hệ thống cấp nước, đường ống, đồng hồ nước, thiết bị cấp nước sạch…" và "các hành vi trộm cắp nước dưới mọi hình thức, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải bồi thường thiệt hại cho bên A (Viwaco), trong đó mức bồi thường giá trị lượng nước bị lấy cắp tính theo đơn giá nước sạch cao nhất". Viwaco đã tính lượng nước bị thất thu, từ đó yêu cầu truy thu 7m3/ngày đêm/hộ. Sau đó, do các hộ nhận thức được lỗi của họ nên công ty đã giảm 50% mức truy thu, đến nay mỗi hộ chỉ còn phải nộp 3m3/ngày đêm, với thời gian truy thu là 18 tháng. Ông Việt cũng khẳng định: Trong danh sách cán bộ, công nhân viên của công ty không có ai tên là Phong, Thành, còn anh Ca đã bị công ty buộc thôi việc từ cuối năm 2011 vì lý do nhũng nhiễu khách hàng ở địa điểm khác. Hiện tại, công ty chưa xác minh được đối tượng có hành vi lừa đảo như phản ánh của người dân ở phường Thanh Xuân Nam nên khuyến khích các hộ dân thu thập bằng chứng, tố cáo với cơ quan chức năng.
Từ sự việc nêu trên, chúng tôi cho rằng Viwaco truy thu tiền nước sinh hoạt đối với những hộ gia đình có đồng hồ bị điều chỉnh là đúng với điều khoản hai bên đã ký kết trong hợp đồng. Ở đây vụ việc cũng xuất phát từ chính lỗi của người dân khi chấp nhận sự gian dối để hưởng lợi. Tuy nhiên, Viwaco cũng có một phần trách nhiệm bởi nếu Viwaco giám sát chặt chẽ quá trình thi công và nghiệm thu nghiêm túc lúc hoàn thành bàn giao cho người dân thì vụ việc có thể đã được phát hiện sớm, hậu quả xấu đã không xảy ra. Việc thu phạt 18 tháng với mức trung bình 40 triệu đồng mỗi hộ, tức là 2 triệu đồng/ tháng xem ra quá nặng với bà con. Vậy nên chăng Viwaco cùng các hộ dân bàn bạc thống nhất mức truy thu phù hợp, đạt lý nhưng cũng phải thấu tình, để sớm cấp nước trở lại, bảo đảm sinh hoạt cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.