(HNM) - Xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hình thành một đô thị khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô, được kỳ vọng là mảnh đất lành cho nhà đầu tư công nghệ cao, đang góp phần hình thành diện mạo đô thị vệ tinh Hòa Lạc, tạo động lực cho phía Tây Thủ đô cất cánh.
Trung tâm công nghệ của Hà Nội và cả nước
Theo Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Lưu Hoàng Long, sau hành trình dài xây dựng và phát triển, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang ngày càng rõ hình dáng một đô thị khoa học - công nghệ. Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 91.250 tỷ đồng, trong đó có 55 dự án đang hoạt động và hơn 22 nghìn người đang học tập, làm việc.
Cũng theo ông Lưu Hoàng Long, các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khí chính xác, tự động hóa... Hiện tại, đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có điện thoại thông minh 5G, thiết bị mạng 5G do Công ty Vinsmart hợp tác với Qualcomm sản xuất; các tủ điện hạ thế, trung thế của Công ty Á Châu với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới...
Các hoạt động khoa học và công nghệ đã bước đầu tạo ra môi trường thuận lợi đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9-1-2021. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) Phạm Đình Thắng nhận xét, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang ngày càng đáp ứng các tiêu chí thu hút nhà đầu tư như việc di chuyển từ trung tâm Hà Nội lên Hòa Lạc chỉ khoảng 30 phút; quy hoạch thông minh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại... Đấy là những yếu tố cơ bản để doanh nghiệp cân nhắc đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sẵn sàng đón "đại bàng"
Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, thu hút đầu tư nhằm góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của vùng Hà Nội cũng như tạo động lực lan tỏa đến ngành Khoa học và Công nghệ cả nước là nhiệm vụ chính của khu. Bên cạnh đó là tập trung thực hiện các giải pháp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từng bước xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc là trung tâm đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội.
Môi trường đầu tư của Hà Nội nói chung và Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng đang được xem là lợi thế để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. “Thứ nhất, nước ta có môi trường chính trị ổn định, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và vẫn duy trì đà phát triển kinh tế. Thứ hai, các cấp chính quyền của Hà Nội và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc luôn tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế cũng như các điều kiện khác để nhà đầu tư có thể triển khai dự án của mình theo đúng kế hoạch…”, ông Trần Đắc Trung thông tin thêm.
Tuy nhiên, để Khu công nghệ cao Hòa Lạc xứng đáng với sự kỳ vọng là mảnh đất lành cho nhà đầu tư công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước nhanh, bền vững, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) Phạm Đình Thắng cho rằng, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối và hạ tầng xã hội tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa để các doanh nghiệp yên tâm khi quyết định đầu tư tại đây.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao trong nước và quốc tế rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhiều cơ quan, ban, ngành của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương cũng như sự tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện của thành phố Hà Nội.
“Trong thời gian tới, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng và một số chính sách quan trọng, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, sẵn sàng đón “đại bàng” công nghệ...”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.