Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất làng Giàn...

ANHTHU| 09/05/2005 07:30

Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 10 km về phía Tây Bắc, làng Giàn (xã Xuân Đỉnh - Từ Liêm) là ngôi làng rất cổ. ở đây có những dòng họ có gia phả trên 40 đời như họ Dương, họ Đặng… Có di tích như ngôi mộ cổ trên núi Hình Nhân, theo các nhà nghiên cứu, đã tồn tại gần 2000 năm. Đình Giàn được xây dựng từ năm 1016 - 1018, thờ Thái úy Lý Phục Man (tức tướng Phạm Tu, người đã phò Lý Bí đánh giặc Lương và dẹp quân phiến loạn phía Tây Nam ở thế kỷ thứ VI)...

Tháp chùa Thiên Phúc (chùa Giàn)

Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 10 km về phía Tây Bắc, làng Giàn (xã Xuân Đỉnh - Từ Liêm) là ngôi làng rất cổ. ở đây có những dòng họ có gia phả trên 40 đời như họ Dương, họ Đặng… Có di tích như ngôi mộ cổ trên núi Hình Nhân, theo các nhà nghiên cứu, đã tồn tại gần 2000 năm. Đình Giàn được xây dựng từ năm 1016 - 1018, thờ Thái úy Lý Phục Man (tức tướng Phạm Tu, người đã phò Lý Bí đánh giặc Lương và dẹp quân phiến loạn phía Tây Nam ở thế kỷ thứ VI) đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử từ năm 1990.

Cái giếng cổ của làng được xây dựng bằng những khối đá lớn chồng khít lên nhau, theo các cụ trong làng, được xây từ thời Hai Bà Trưng(Thế kỷ thứ 1). Nước giếng đã bào mòn thành giếng đá theo chiều của sóng, các vệt dây thừng kéo nước đã khía những rãnh sâu vào đá xung quanh miệng giếng. Đặc biệt, làng Giàn vẫn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ khác như cổng làng, chùa Thiên Phúc, đền Thanh Vân… có niên đại từ thế kỷ XVIII.

Thế đất làng Giàn đẹp, cao ráo và bằng phẳng. Trên những cánh đồng rộng có nhiều gò đất lớn nổi lên, người ta quen gọi là “núi”. Mỗi quả núi đều có tên gọi riêng như: núi Thái Hòa, núi Đống, núi Cánh Sẻ, núi Gạo, núi Chiêng, núi Trống, v…v. Theo các cụ già trong làng kể lại, vào thế kỷ thứ XVII ở làng Giàn có ông Dương Công Uẩn, làm quan hầu cận trong phủ Chúa. Một lần, chúa Trịnh Tạc về thăm quê ông, thấy địa thế rất đẹp nên đã cho người đào đất đắp lên nhiều gò đống giả núi để thỉnh thoảng Chúa về nghỉ ngơi, thưởng ngoạn. Chính vì vậy mà quang cảnh nơi đây lại càng thêm thơ mộng. Từ xa xưa, dân quanh vùng đã có câu “Đất Giàn quan Vẽ” tức là làng Giàn có địa thế đẹp, làng Vẽ có nhiều người làm quan. Hồi trước, trẻ chăn trâu trong làng vẫn trèo lên nô đùa trên những quả núi ấy và đôi khi còn bắt được những tổ chim ở các bụi cây.

Năm 1973, từng đoàn công nhân đổ về ven làng, cắm mốc giới, san ủi mặt bằng, dựng lều lán, kho tàng, bến bãi và tập kết nguyên vật liệu để xây dựng cầu Thăng Long - cây cầu thế kỷ của đất nước. Người dân làng đã tự nguyện bàn giao trên 50 ha ruộng đất cho các đơn vị để phục vụ công trình. Cho đến năm 1983, một xóm lớn với gần 40 hộ dân của làng tiếp tục di dời nhà cửa sang khu ruộng phía Đông để nhường mặt bằng thi công tuyến đường dẫn lên cầu (nay là đường Phạm Văn Đồng). Việc giải phóng mặt bằng ngày ấy rất đơn giản, nhanh gọn và tự nguyện chứ không khó khăn, phức tạp như bây giờ.

Di tích lịch sử văn hoá đền Thanh Vân (đền Giàn)

Làng Giàn trước kia chủ yếu sống bằng nghề nông, cực nhọc vào những lúc thời vụ, còn ngày ba tháng tám thì nhàn rỗi. Cuộc sống lại quá khó khăn nên dân làng có nghề phụ là đi chợ gạo hay còn gọi là chợ hàng xáo. Những tháng nông nhàn, hầu hết phụ nữ làng lại cắp quang gánh, thúng mủng đi chợ hàng xáo. Gạo mua lại ở các chợ Vẽ, chợ Noi, chợ Cáo hay có khi sang cả các chợ bên Đông Anh để mua rồi quảy vào thành phố bán rong (ngày đó chưa sẵn ô tô chở khách như bây giờ).

Theo các cụ trong làng kể lại thì nghề hàng xáo ở làng Giàn có từ thời chống Pháp. Khi ấy, các cụ làng tôi quảy gạo vào thành phố bán cho cả những me tây, phường hát, nhà buôn v…v. Thời còn bao cấp, đi ngoài đường phố, hễ thấy một bà (hoặc chị) đội nón lụp xụp, kẽo kẹt gánh nặng trên vai, vừa đi vừa rướn cổ lên rao: “Ai gạo khô… ô…ng?” thì đích thị đó là người làng Giàn. Cũng nhờ nghề hàng xáo mà các bà, các chị làng tôi thuộc hết các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố như lòng bàn tay, hỏi đâu cũng biết.

Đã có một thời, nghề hàng xáo cũng được coi là một tiêu chuẩn chọn vợ, chọn dâu làng Giàn. Con gái lớn mà không biết đi chợ gạo thì đường chồng con xem ra rất khó khăn. Ngược lại, có những cô nhan sắc rất khiêm tốn nhưng nhờ tháo vát chợ búa nên vẫn “đắt như tôm tươi”.

Cực nhọc là thế nhưng nhờ tần tảo và tiết kiệm, “góp gió thành bão”, nghề hàng xáo cũng giúp các hộ gia đình vượt qua những khó khăn của thời kỳ bao cấp, giải quyết được những việc lớn trong gia đình theo tập quán ở nông thôn. Nhờ thế mà làng Giàn trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước cũng không có người đói.

Nghề bán gạo rong của các bà, các chị ở làng Giàn mai một dần kể từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường. Kinh doanh buôn bán phát triển mạnh, các đại lý gạo mọc lên khắp nơi, gạo lúc nào cũng sẵn với đủ các chủng loại nên người ta không phải chờ đợi mua ở các bà bán rong nữa. Vì vậy, số người đi chợ gạo ở làng tôi giảm dần. Cho đến nay làng Giàn chỉ còn một số rất ít người còn làm hàng xáo như bà Lợi Chà, bà Thông Tân… Các bà chở gạo bằng xe máy, đến đổ cho những nhà hàng quen và những người ngồi ở các sạp hàng trong các chợ lớn ở Hà Nội.

Làng Giàn ngày nay đang trên đà đô thị hóa nhanh. Sau khi có cầu Thăng Long và tuyến đường Phạm Văn Đồng chạy qua, đã có hàng chục cơ quan đơn vị lớn của Nhà nước về đóng trên địa bàn, nhiều dự án lớn của Thành phố và Quốc gia cũng đang tiếp tục được triển khai như: khu đô thị Nam Thăng Long, nút giao thông Nam Thăng Long… Ruộng canh tác không còn là bao, người dân làng Giàn đã chuyển sang nhiều ngành nghề khác. Đời sống kinh tế phát triển, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Cả làng chỉ còn chưa đến 1% hộ nghèo. Điều đáng mừng nhất là những lề thói của một ngôi làng Việt cổ và những tập quán tốt đẹp từ xa xưa vẫn còn tồn tại trong cộng đồng dòng tộc, làng xóm cùng với nét thanh lịch của người Tràng An.

Với những bước phát triển của Thủ đô văn minh và hiện đại, một ngày không xa nữa, nghề bán hàng rong nói chung và nghề hàng xáo nói riêng sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng chúng ta không thể quên được một thời mà những người dân làng Giàn đã góp phần lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở Thủ đô. Và những tiếng rao hàng lanh lảnh trên đường phố Hà Nội sẽ là những hoài niệm đẹp của những người dân đất kinh kỳ cổ kính và thanh bình.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Đất làng Giàn...

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.