(HNM) - Một xí nghiệp quốc doanh may mặc được tạm giao gần 8.000m2 đất công để tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh nhưng đã đem đất cho thuê lại suốt nhiều năm. Sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Tiến Phát lại được chuyển đổi công năng khu đất để xây chung cư thương mại Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình.
Đất công cho thuê lòng vòng
Tiền thân Công ty CP May Tiến Phát là Xí nghiệp quốc doanh May Tiến Phát được thành lập từ năm 1989, trực thuộc UBND quận Tân Bình. Đến năm 1999, doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, có vốn điều lệ 11 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 30%. Tại thời điểm được TP chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng chung cư (tháng 12-2009) thì toàn bộ vốn cổ phần của nhà nước đã bán cho cán bộ, nhân viên và cổ đông ngoài doanh nghiệp. Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cuối năm 2001, vốn điều lệ của công ty có 50 tỷ đồng, với các ngành nghề kinh doanh: sản xuất kinh doanh hàng may, thêu, nguyên phụ liệu, thiết bị may công nghiệp, cho thuê nhà xưởng, kho bãi, xây dựng, kinh doanh chung cư, dịch vụ nhà đất, môi giới bất động sản…, trụ sở số 171A Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình.
Theo báo cáo của quận Tân Bình: Khu đất trên trước ngày giải phóng là đất khu quân sự của chế độ cũ, sau giải phóng giao cho Quân đội tiếp quản; đến đầu năm 1990 bàn giao về quận quản lý. Cũng trong năm này, UBND quận Tân Bình có Quyết định số 198/QĐ-UB tạm cấp nhà, đất cho Xí nghiệp quốc doanh May Tiến Phát để làm cơ sở sản xuất. Năm 1998, Sở Địa chính - Nhà đất ký hợp đồng cho Xí nghiệp Tiến Phát thuê 7.658m2 đất tạm thời trong 5 năm, kể từ ngày 1-1-1996.
Trước khi được UBND TP ra quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất, Xí nghiệp Tiến Phát đã ký hợp đồng cho Công ty May Việt Tiến thuê kho xưởng 2.172m2. Đến năm 2001, Tiến Phát ký hợp đồng cho Chi nhánh Công ty thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Hải Dương thuê 1.000m2 kho xưởng. Sau khi 2 đơn vị này trả mặt bằng, tháng 4-2002, Tiến Phát tiếp tục cho Công ty TNHH May Thương mại - Dịch vụ Quốc Hải thuê 6.500m2 nhà xưởng, kho bãi, với giá thuê 70 triệu đồng/tháng, thời hạn 5 năm (từ tháng 5-2002 đến 5-2007), phụ lục gia hạn hiệu lực hợp đồng chính kéo dài thêm 5 năm, kết thúc ngày 1-5-2012.
Có thể thấy rằng nhờ là xí nghiệp may quốc doanh, được ưu ái giao đất công để sản xuất; nhưng đơn vị này không sử dụng hiệu quả mà cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại lòng vòng, với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/m2, quá thấp so với mức giá chung trên thị trường. Đặc biệt, kể từ khi cổ phần hóa, ngành sản xuất chính là may mặc của Tiến Phát chỉ hoạt động cầm chừng, "sống" nhờ cho thuê lại phần lớn diện tích nhà xưởng 6.500/7.658m2 thuê được của nhà nước. Thậm chí, hết thời hạn thuê đất công (1-1-2001), gần 10 năm qua, đơn vị này cũng không đến Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) gia hạn hợp đồng thuê tiếp mà cũng không hề bị xử lý gì.
Chuyển đổi công năng, xây chung cư
Hoạt động sản xuất, kinh doanh may mặc không hiệu quả, đến tháng 3-2008 Tiến Phát đề nghị chấp thuận chủ trương được đầu tư xây dựng khu biệt thự kinh doanh tại khu đất 171A Hoàng Hoa Thám. Sau khi xem xét quy hoạch, quận Tân Bình không chấp thuận dự án đầu tư biệt thự mà đề nghị lập dự án xây dựng chung cư cao tầng, loại hình nhà ở xã hội. Tiến Phát đã lập dự án xây dựng chung cư thương mại Hoàng Hoa Thám quy mô 14 tầng và 1 hầm, có 336 căn hộ, tổng vốn đầu tư 332,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 15%, còn lại là vốn vay và huy động của khách hàng. Và ngày 11-12-2009, UBND TP đã chấp thuận địa điểm đầu tư chung cư, trong đó dành 30% căn hộ phục vụ cho quỹ nhà ở xã hội quận Tân Bình. Tuy UBND quận Tân Bình giao đất vượt thẩm quyền và Sở TN&MT quản lý lỏng lẻo, không rà soát xử lý khi hết thời hạn thuê đất mà không ký hợp đồng gia hạn nhưng UBND TP Hồ Chí Minh chỉ thông báo kết luận chấn chỉnh, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm chung.
Tuy nhiên, vấn đề công luận quan tâm là tại sao khu đất không được đem đấu giá công khai hoặc công bố rộng rãi mời gọi đầu tư sẽ có khả năng đem lại nguồn thu ngân sách cao hơn hoặc chọn được nhà đầu tư tốt hơn đáp ứng cho nhu cầu phát triển quỹ nhà ở xã hội địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.