(HNM) - Từ 30-8-2011 đến nay, hàng chục người dân thôn Phú Thịnh, xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ) đã xẻ đường, dựng lều bạt tại khu vực cánh đồng Lải Cát để chặn xe ô tô chở nguyên, vật liệu cũng như không cho các chủ lò gạch được xuất hàng, khiến tình hình ANTT của địa phương có nhiều phức tạp...
Từ việc ăn vẹm đất công…
Hơn một tuần qua, con đường độc đạo dẫn vào khu lò gạch tại cánh đồng Lải Cát, xã Ngọc Tảo đã bị một số người dân địa phương xẻ thành rãnh sâu, khiến xe ô tô không thể đi qua. Quanh các lò gạch là những đống đất chất cao quá đầu người, nhiều lò vẫn hoạt động bình thường. Ông Đỗ Văn Vân và nhiều bà con ở thôn Phú Thịnh bức xúc: Chúng tôi cho ông Nguyễn Văn Sinh thuê đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến năm 2013 hợp đồng sẽ hết hạn. Thế nhưng, ông Sinh không thực hiện theo cam kết, mà đã "bán" cho nhiều người; sau đó những người thuê lại đất của ông Sinh đã tự ý hạ độ sâu mặt ruộng để lấy đất làm gạch. Nếu cứ đào ruộng lấy đất như thế này, khi họ trả lại đất, chúng tôi còn đâu ruộng để canh tác...?
Đường dẫn vào khu lò gạch đã bị người dân đào hào ngăn cản. |
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, đầu những năm 2000, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ngọc Tảo có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở hai cánh đồng Mục Bài và Lải Cát, rộng gần 58.000m2, là đất canh tác của 138 hộ thuộc cụm dân cư số 5 và số 6. Ủng hộ chủ trương này, năm 2004, 67 hộ cụm số 5 có ruộng ở xứ đồng Lải Cát đã cho ông Nguyễn Văn Sinh thuê hơn 28.000m2 để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với mức 9,5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn nên đến năm 2007 dự án tại cánh đồng Lải Cát mới được thực hiện; lúc này, ông Sinh còn được UBND xã Ngọc Tảo giao khoán hơn 13.000m2 đất công ích để làm lán trại, vỏ lò gạch… Mặc dù chưa được UBND xã ký hợp đồng, chưa bàn giao mốc giới cụ thể, nhưng ông Sinh đã khoán lại cho ông Nguyễn Văn Được 57.914m2 ở cánh đồng Mục Bài, Lải Cát, với giá 10,5 triệu đồng/sào. Để hưởng chênh lệch, ông Được tiếp tục khoán cho các ông Trịnh Văn Thắng, Nguyễn Viết Ổn, mỗi người hơn 28.000m2, giá 11 triệu đồng/sào và việc ký kết hợp đồng giữa các bên đều có sự chứng kiến của lãnh đạo xã… Lợi dụng đất của con ngòi liền với đất canh tác của các hộ dân, ông Sinh, ông Được còn chiếm dụng khoảng 26.000m2 đất ở khu vực này để cho ông Thắng, ông Ổn thuê. Đến nay, tại xứ đồng Lải Cát "mọc" lên 6 lò gạch thủ công và 1 lò gạch tuynel.
Đến dự án chuyển đổi… gạch!
Trên cơ sở tờ trình của xã Ngọc Tảo, UBND huyện Phúc Thọ đã ra Quyết định số 249 ngày 5-5-2005, cho phép UBND xã được tận dụng đất dư thừa khi cải tạo mặt bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sản xuất gạch, được khai thác đất sâu 2m so với ruộng liền kề, theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu phải hoàn trả mặt bằng sản xuất nông nghiệp đến đấy. Trong quyết định nêu trên, UBND huyện chưa xác định đích danh chủ dự án nào, song ông Sinh đã tự thỏa thuận cho ông Được khai thác đất sâu tới 4m... Từ đó đến nay, ông Được chỉ đào đất đốt gạch, tuyệt nhiên không có bất cứ một trang trại hay mô hình cây trồng gì?
Thấy dự án bị lệch hướng, người dân đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng và cuối năm 2009, UBND huyện Phúc Thọ đã ra kết luận, yêu cầu UBND xã đình chỉ khai thác, sử dụng phần diện tích mà ông Được chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, trả lại mặt bằng cho xã quản lý; UBND xã phải ký hợp đồng, xác định mốc giới và ông Sinh phải hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền đã tự ý cho thuê đất trái phép…
Giữa năm 2010, UBND xã ra thông báo cho các chủ sản xuất gạch phải ngừng hoạt động, nhưng không ai chấp hành. Lấy lý do để các chủ lò có điều kiện hoàn trả mặt bằng, UBND xã Ngọc Tảo lại ký tiếp hợp đồng với họ thêm 1 năm nữa tại phần đất công khiến người dân càng bức xúc hơn về những việc làm có nhiều uẩn khúc của một số cán bộ địa phương?
Trong bản Kết luận số 973/KL-UBND ngày 31-12-2009 của UBND huyện Phúc Thọ và kết luận của BCH Đảng bộ xã Ngọc Tảo ngày 3- 6-2010 đã chỉ ra khuyết điểm của lãnh đạo xã cũng như cán bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện, nhưng chưa xác định mức độ hủy hoại đất canh tác và không đề cập đến việc thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng? Trong cuộc họp ngày 30-8-2011 giữa đại diện lãnh đạo xã với cụm dân cư số 5 thôn Phú Thịnh, chủ dự án khẳng định có đủ các loại giấy tờ hợp pháp để sản xuất gạch, song đến nay vẫn không công khai cho người dân biết. Trong khi đó theo người dân thì trên địa bàn xã này hiện còn 3 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác, nhưng tất cả đều đã sản xuất gạch!
Để ổn định tình hình ANTT tại địa phương và bảo đảm quyền lợi của người dân, các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ cần sớm vào cuộc, kiểm tra làm rõ mức độ vi phạm tại các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Ngọc Tảo để có biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời xử lý nghiêm những người có sai phạm liên quan đến các vụ việc nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.