Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nhân lực trình độ cao cho công nghệ mũi nhọn

Thu Hằng| 13/04/2021 07:01

(HNM) - Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được thành lập, nhằm phát triển nghiên cứu và đào tạo trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành về hướng phát triển của trung tâm.

Sinh viên học tập tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

- Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI) đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động có ý nghĩa thế nào trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, thưa bà?

- Việc thành lập BK.AI là một phần của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới. Việt Nam sẽ xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo. Đây có thể xem là sự kiện đầu tiên khởi động triển khai Chiến lược, kết nối nghiên cứu và đào tạo, đưa trí tuệ nhân tạo vào giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, góp phần tăng năng suất lao động...

BK.AI ra đời thể hiện quyết tâm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong phát triển nghiên cứu và đào tạo trình độ cao lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Vậy mục tiêu, mô hình hoạt động và hướng phát triển của BK.AI trong thời gian tới được định hình ra sao, thưa bà?

- Mục tiêu của BK.AI là trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo nói riêng, hướng tới việc xây dựng các nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mạnh, có những công bố mang tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, BK.AI cũng triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển gắn kết với thực tiễn, tạo điều kiện đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học đến thị trường. Trung tâm cũng tham gia việc đào tạo nhân lực trình độ cao về trí tuệ nhân tạo để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Hà Nội và đất nước.

BK.AI hoạt động theo mô hình mở, tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Không những vậy, trung tâm còn là nơi kết nối các nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhằm phát huy sức mạnh, cùng nhau thực hiện các mục tiêu nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, BK.AI không phải chịu áp lực về mặt kinh doanh, nên có thể thực hiện các nghiên cứu mang tính đột phá, có vị trí và ảnh hưởng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới. Phương hướng hoạt động chung của BK.AI là kết nối sức mạnh nội tại và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy phong trào nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Các hoạt động chính của trung tâm là đào tạo về trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu, tổ chức các sự kiện khoa học, công nghệ…

- Nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi bảo đảm sự thành công của phát triển trí tuệ nhân tạo. Bà có thể cho biết nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của nhà trường trong giai đoạn hiện nay và sắp tới?

- Các tiến bộ của trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao, với khả năng tự động hóa, cá nhân hóa... Nhiều nước trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi. Còn tại Việt Nam, nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường và rất thiếu nhân lực trí tuệ nhân tạo ở mức cao.

Năm 2019, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức mở ngành học mới về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS-AI) - một trong những ngành trụ cột của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong 2 năm qua, số lượng sinh viên đăng ký vào ngành DS-AI rất đông, nhưng nhà trường chỉ tuyển với số lượng hạn chế (60 sinh viên năm 2019 và 80 sinh viên năm 2020) và năm 2021 này, nhà trường dự kiến tuyển 100 sinh viên.

Ngoài ra, trong chương trình khoa học máy tính cũng có định hướng chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo từ năm thứ ba. Hiện tại, số lượng sinh viên đăng ký học định hướng trí tuệ nhân tạo trong ngành khoa học máy tính rất lớn. Chính vì vậy, điểm chuẩn của khoa học máy tính trong nhiều năm gần đây luôn cao nhất trong tất cả các ngành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thậm chí là cao nhất cả nước. Điều đó cho thấy nhu cầu của người học về ngành học này là rất lớn.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực trình độ cao cho công nghệ mũi nhọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.