Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Mục tiêu và hiện thực (bài 2)

Nguyên Hoa| 31/08/2013 06:14

(HNM) - Đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giảm áp lực rời quê lên thành phố kiếm sống đang được các ngành chức năng ở Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Bài 2: Mối liên kết lỏng lẻo

(HNM) - Đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giảm áp lực rời quê lên thành phố kiếm sống đang được các ngành chức năng ở Hà Nội đặc biệt quan tâm. Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2009-2010 và định hướng đến năm 2020 của thành phố đặt ra mục tiêu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động. Song, thực tế số người tìm được việc làm rất ít, chưa tương xứng với mục tiêu đặt ra.

Mây tre đan là nghề được nhiều lao động nông thôn tìm học.Ảnh: Bá Hoạt



Cơ hội việc làm - khó tiếp cận

Lớp học nghề nấu ăn của thị trấn Kim Quan (Thạch Thất) mặc dù được ghép hai lớp làm một nhưng cũng chỉ được 19 học viên cho dù tiêu chuẩn quy định là mỗi lớp học phải có từ 25 người trở lên. Chị Nguyễn Thị Huyền, một thành viên của lớp học, nói: "Tôi đang trong thời kỳ nghỉ ở nhà để chuẩn bị sinh con, được UBND thị trấn thông báo có lớp học nghề nấu ăn nên tôi đăng ký tham gia. Hy vọng sau 3 tháng học, tôi có thể nấu ăn ngon cho gia đình, chứ chưa dám nghĩ tới chuyện tìm được việc làm".

Chị Nguyễn Thị Thỏa, xã Kim Nỗ (Đông Anh) hoàn thành khóa học nấu ăn đã hơn một năm nay nhưng không có ý định xin việc làm, chị cho biết: "Khi đi học, giáo viên và cán bộ huyện cũng bảo là có nhiều người đi trước đã thành lập được hội nấu cỗ để phát huy tay nghề và tạo việc làm cho gia đình. Nhưng ở nông thôn, cỗ cưới có mùa, nhà nào có điều kiện đã đặt tiệc ở nhà hàng, nhà không có điều kiện thì người trong làng, trong họ xúm lại phục vụ". Bà Tạ Thị Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Giải quyết việc làm quận Hà Đông, chia sẻ: "Nhiều lao động bị mất đất của quận Hà Đông đã chọn học các nghề trang điểm, nấu ăn. Tuy nhiên, với thời gian 3 tháng học nghề, chúng tôi không hy vọng họ mở được cửa hàng. Với kiến thức và tay nghề học được, họ chỉ có thể phụ việc hoặc đi bán mỹ phẩm tại các siêu thị…".

Học nghề xong nhưng không tìm được việc làm là nguyên nhân cơ bản khiến lao động nông thôn (LĐNT) không mặn mà tham gia các lớp học. Tại xã Kim Chung (Đông Anh), việc dạy nghề cho lao động bị mất đất nông nghiệp đã được triển khai mạnh từ 5 đến 7 năm về trước, nhưng lãnh đạo xã cho biết, chiếm 2/3 trong số 400 lao động bị mất đất đã ở tuổi 45 trở lên nên không phù hợp với việc học nghề; một số đã học cũng không tìm được việc làm.

Hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư

Đào tạo nghề, giúp lao động có tay nghề hướng đến mục tiêu có việc làm ổn định là hướng đi chính trong chương trình giải quyết việc làm của thành phố Hà Nội đến năm 2020. Nếu tính từ năm 2010 đến nay thì thành phố đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; khoảng 80 tỷ đồng đã được đầu tư để đào tạo nghề cho LĐNT tại 20 huyện, thị xã.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết: Toàn thành phố hiện có 276 cơ sở dạy nghề, trong đó cơ sở tư nhân chiếm gần 67%. Tổng cộng đã có 20 trường trung cấp nghề công lập trên 29 quận, huyện; 7 huyện đã có trung tâm dạy nghề và 4 huyện khác (Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai) đang tiến hành xây dựng trung tâm dạy nghề. Trong 3 năm (từ 2010 đến 2012), thành phố đã đầu tư 39 tỷ đồng cho các cơ sở mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề…

Tuy nhiên, khảo sát mới đây tại 22 quận, huyện và thị xã của thành phố trên tổng số gần 868.000 hộ với 2.129.469 LĐNT cho thấy, chỉ có gần 132.000 người có nhu cầu học nghề. Con số này là quá ít so với kết quả điều tra nhu cầu cần bổ sung trên 311.000 lao động qua đào tạo nghề của 8.320 đơn vị, doanh nghiệp đóng tại các địa phương nói trên. Khi về tìm hiểu tại các địa phương, con số thực tế là thêm bao nhiêu lao động có việc làm sau học nghề và việc làm đó có ổn định hay không, hay chỉ là việc làm thời vụ thì cán bộ lao động các quận, huyện, thị xã hầu như không nắm được. Họ lý giải "đây là việc khó của toàn thành phố chứ không gì địa phương chúng tôi".

Tại xã An Phú - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Minh cho biết: "Những năm 2008-2009, An Phú là địa phương tích cực dạy nghề và nhân cấy nghề. Một số nghề như mây giang đan từng một thời "làm mưa làm gió" trên mảnh đất An Phú. Chẳng thế mà chính quyền xã động viên nhân dân hăng hái trồng 7ha luồng lấy nguyên liệu phục vụ nghề mây giang đan. Nhưng nghề mây giang đan chỉ tồn tại được vài năm, chỉ bởi đầu ra thu hẹp, sản xuất khó khăn, thu nhập thấp nên hiện nay có đến 70% số dân An Phú đã không còn mặn mà với nghề phụ này". Bỏ nghề phụ nhưng 7ha luồng được trồng làm nguyên liệu phục vụ nghề mây giang đan hiện đang đặt ra thách thức mới cho chính quyền xã bởi chưa biết sẽ sử dụng vào mục đích gì.

Trong khi người dân nông thôn tay nghề thấp, tỷ lệ không có nghề nhiều; số lượng lao động nông nhàn ở nông thôn ngày càng tăng… thì việc dạy nghề để tạo việc làm cho người dân là vô cùng cấp thiết, góp phần ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, trăn trở là ở chỗ, hiệu quả của chương trình đào tạo nghề chưa cao; thậm chí có nơi gây lãng phí về kinh phí và cơ sở vật chất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Mục tiêu và hiện thực (bài 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.