Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo đại học gắn với kỷ nguyên số

Thanh Tàu| 20/02/2023 07:35

(HNM) - Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ mới và chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp rất lớn. Xuất phát từ thực tế này, trong năm học 2023-2024, nhiều trường đại học tại khu vực phía Nam đang chuyển hướng, mở thêm các ngành đào tạo mới gắn với kỷ nguyên số.

Thí sinh tìm hiểu ngành học về trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều ngành học mới chào đón sinh viên

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 8.250 chỉ tiêu. Trường có 5 chương trình đào tạo mới gồm: Công nghệ tài chính (Fintech); marketing công nghệ (Martech); kinh doanh số (Digital business); robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI) và công nghệ logistics (Logtech). Cũng từ năm nay, Hội đồng tuyển sinh Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên. Cụ thể là các ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên)…

Trong khi đó, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở 5 ngành học mới, gồm: Công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử. Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ thông tin; Trường Đại học Quản lý và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành học mới là truyền thông đa phương tiện. Trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) tuyển sinh 2 ngành mới, gồm: Kinh doanh quốc tế và truyền thông đa phương tiện, gắn với thời đại số.

Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thái Sơn đánh giá, xu hướng đào tạo lĩnh vực công nghệ đang chiếm ưu thế; trong đó, những ngành kết hợp giữa công nghệ và các ngành kỹ thuật khác như quản trị kinh doanh thực phẩm, marketing digital, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thông tin... đang thu hút nhiều người học.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhà trường đã có những nghiên cứu, chuẩn bị rất nghiêm túc, bài bản để có thể phát triển các chương trình đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh năm 2023, cùng với sự ra đời của ChatGPT, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo dự báo ngành đào tạo AI sẽ “lên ngôi”.

Hiểu rõ để lựa chọn đúng

Theo các chuyên gia, việc ngày càng có nhiều ngành học liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo... dù có mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu trong xu thế mới, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế khi có một bộ phận sinh viên chọn học theo trào lưu, chưa hẳn phù hợp với năng lực bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ChatGPT đang khiến AI trở thành lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên, các em học sinh cần hiểu đúng và không quá “thần thánh hóa” AI để lựa chọn ngành học phù hợp khi đăng ký tuyển sinh đại học. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh: “AI không thể thay thế con người hoàn toàn mà chỉ giải quyết các vấn đề do con người đặt hàng. Điều mà phụ huynh và học sinh cần quan tâm trong quá trình lựa chọn ngành nghề là cần tìm hiểu kỹ về cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn. Con người bắt AI phục vụ mình, chứ không phụ thuộc vào AI”.

Cũng xuất phát từ quan điểm người học cần hiểu kỹ ngành học trước khi đăng ký, Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bên cạnh ngành AI đã được đào tạo vài năm nay, trường còn có các ngành, nhóm ngành liên quan đến AI, như: Khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, máy tính và công nghệ thông tin... Thực tế, các hiệu ứng công nghệ mới giúp con người thay đổi quan điểm từ sở hữu kiến thức thành làm chủ kiến thức, từ đó tác động thay đổi cách dạy, học và nhiều vấn đề khác trong giáo dục cũng như cuộc sống. “Muốn không bị loại bỏ khỏi cuộc chơi và chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân, sinh viên cần có kiến thức về các ngành này. Hiểu rõ sẽ giúp chọn đúng và học tập hiệu quả”, Thạc sĩ Phùng Quán nhận định.

Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn lưu ý, thời gian tới, thị trường lao động tiếp tục phát triển theo hướng cần nhiều nhân lực chất lượng cao. Lao động có kỹ năng yếu sẽ rất vất vả để cạnh tranh, thậm chí bị đào thải. Vì thế, khi lựa chọn ngành học, các em học sinh, sinh viên cần cân nhắc yếu tố phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân để có thể học tập, rèn luyện tốt về kiến thức, trau dồi các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. “Nếu chọn ngành chỉ dựa trên số đông, chạy theo ngành “hot”, trường “tốp”, các em sẽ rất khó phát huy được năng lực của mình”, ông Trần Anh Tuấn khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo đại học gắn với kỷ nguyên số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.