(HNM) - Khóa đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm dùng chung dành cho cán bộ xã tại huyện Đan Phượng khai giảng ngày 6-7-2016 có tỷ lệ học viên đi học đạt gần 90%. Đây là địa phương có tỷ lệ học viên đi học cao.
Đào tạo CNTT được đặc biệt coi trọng, chuẩn bị cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước. |
Trước đó, các khóa học tổ chức tại 12 quận và 5 huyện, số học viên tham dự chỉ đạt hơn 50%. Để chấn chỉnh, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu học viên phải đi học nghiêm túc, đầy đủ, bảo đảm chất lượng yêu cầu, đồng thời khẳng định, đi học cũng được xem là tiêu chí đánh giá cán bộ.
Khi cán bộ... trốn học
Chuẩn bị cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước trên toàn thành phố vào cuối năm 2016, UBND thành phố đã giao Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đào tạo CNTT cho đội ngũ cán bộ công chức, kể từ cấp xã, phường. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Đào tạo CNTT - Truyền thông (Sở TT-TT) đã phối hợp với các đơn vị đào tạo, mở các khóa học lần lượt cho 30 quận, huyện, thị xã. Có 7 chức danh cán bộ cấp xã, phường trong diện phải đào tạo gồm: Tư pháp, hộ tịch; văn hóa - xã hội; kế toán - tài chính; văn phòng, thống kê; địa chính, xây dựng; trưởng công an; trưởng ban chỉ huy quân sự. Các cán bộ sẽ tham dự 16 buổi học lý thuyết và thực hành về kỹ năng sử dụng máy tính, mạng và phần mềm... để có thể sử dụng thành thạo phần mềm dùng chung của thành phố.
Tính đến hết tháng 6, Sở TT-TT đã tổ chức lớp học cho 17 quận, huyện. Tuy nhiên, tỷ lệ học viên đi học không cao, tại 12 quận nội thành chỉ đạt tỷ lệ 50%. Cụ thể, ngoài quận Bắc Từ Liêm đạt tỷ lệ học viên đi học 95%, Hoàn Kiếm 89%, Long Biên 72%; hầu hết các quận chỉ đạt hơn 30% (Tây Hồ: 32%; Đống Đa: 36%; Hà Đông: 38%...). Cá biệt, tại quận Hoàng Mai, chỉ có 15% cán bộ đi học. Có 5 huyện đã tổ chức lớp học gồm: Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh, song tỷ lệ học viên đi học cũng không cao, tại Mỹ Đức là 22%, Chương Mỹ 51%, Thanh Oai 55%...
Được biết, sau mỗi khóa đào tạo, học viên sẽ được kiểm tra trước khi cấp chứng chỉ. Để trang bị kiến thức về tin học, các ứng dụng CNTT và sử dụng phần mềm dùng chung, thành phố ước chi 1 triệu đồng/học viên thuộc 12 quận; chi 1,5 triệu đồng/học viên ở 18 huyện, thị xã. Vậy tại sao tỷ lệ học viên đi học thấp? Theo ông Vũ Lộc An, Giám đốc Trung tâm đào tạo CNTT - Truyền thông, nguyên nhân là đội ngũ cán bộ công chức xã, phường vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý hành chính.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số địa phương, lãnh đạo xã, phường chưa thực sự tạo điều kiện cho cấp dưới đi học. “Có học viên phàn nàn khi lên báo cáo xin nghỉ làm để đi học, lãnh đạo trả lời rằng việc của thành phố thì thành phố lo, đi học lấy ai làm việc…” - đại diện Trung tâm Dạy nghề (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam) - đơn vị thực hiện giảng dạy về CNTT tại các huyện ngoại thành phản ánh.
Tiêu chí đánh giá cán bộ
Trước thực trạng tỷ lệ cán bộ đi học thấp, cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã ký Công văn số 3718/UBND-KGVX, chấn chỉnh việc tham gia đào tạo CNTT trên địa bàn. Công văn nêu rõ, Sở TT-TT có trách nhiệm tổng hợp danh sách học viên đã đăng ký nhưng không tham gia khóa học, không bảo đảm thời gian học, đạt kết quả dưới trung bình gửi về UBND các quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục - Đào tạo để xem xét. Học viên không đủ điều kiện thi cấp chứng chỉ cuối khóa phải học lại và tự chi trả kinh phí. Đặc biệt, công văn cũng nêu rõ, việc đi học về CNTT và phần mềm dùng chung là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; từ đó bố trí công tác khác với cán bộ, công chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng theo ông Vũ Lộc An, sau khi UBND thành phố ban hành công văn, số học viên đi học nhiều hơn. Không những vậy, một số huyện còn chủ động liên lạc với Sở TT-TT đề nghị sớm tổ chức lớp học.
Nói về việc thành phố tổ chức lớp học về CNTT và phần mềm dùng chung, Trưởng Công an xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Hầu hết cán bộ xã hiện nay đã biết sử dụng vi tính và truy nhập internet, nhưng chưa được đào tạo bài bản để chuẩn hóa kiến thức. Do đó, chủ trương tổ chức lớp học CNTT là cần thiết. Chúng tôi đã được tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm đi học”. Còn Phó Trưởng Công an xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) Đỗ Văn Toàn thì mong muốn, cùng với việc tổ chức đào tạo, UBND thành phố, Công an thành phố cũng nên sớm trang bị thêm máy tính, thiết bị để đội ngũ cán bộ cơ sở thuận lợi ứng dụng CNTT khi làm việc. Hiện, Công an xã Trung Châu có 23 người, nhưng chỉ có một bộ máy vi tính nên phải dùng chung, làm muộn...
Theo kế hoạch, Sở TT-TT sẽ đẩy nhanh việc mở lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ cấp xã; cùng với đó, Sở sắp mở khóa học đào tạo về CNTT cho đội ngũ chủ tịch xã, phường, thị trấn toàn thành phố. Điều đó cho thấy, cùng với việc trang bị đường truyền, thiết bị thì khâu đào tạo CNTT được đặc biệt coi trọng, vì nếu cán bộ trong đội ngũ công quyền không biết sử dụng thì không thể triển khai được ứng dụng CNTT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.