Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Trần Phương Thảo: Phải có đủ thời gian để “chín” cùng nhân vật

Mai Đình| 07/05/2023 10:30

(HNMCT) - Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” đã làm nên tên tuổi của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm. Dõi theo hành trình của Lệ Diễm, có thể thấy người hỗ trợ cô về sản xuất, làm hậu kỳ và đưa phim đến với nhiều liên hoan phim quốc tế là đạo diễn, nhà sản xuất Trần Phương Thảo. Không chỉ là đạo diễn phim tài liệu, Trần Phương Thảo cũng được xem như “bà đỡ” mát tay, truyền kinh nghiệm làm phim tài liệu cho nhiều bạn trẻ mới vào nghề.

- Thưa đạo diễn Trần Phương Thảo, trong vai trò là nhà sản xuất của bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” - tác phẩm lọt vào Top 15 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc của giải Oscar, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các đạo diễn trẻ?

- Sự thành công của mỗi bộ phim bao giờ cũng có yếu tố bất ngờ đến từ bản thân đạo diễn cũng như nhà sản xuất. Với dòng phim tài liệu, rất khó để có thể mang đi chiếu rạp. Trên các kênh truyền hình có thời lượng dành cho phim tài liệu ngắn, phim có độ dài trung bình; những bộ phim tài liệu điện ảnh dài theo kiểu có cảm xúc, có số phận ít có khung giờ cố định. Trong khi đó, một bộ phim như vậy thường mất 2 - 3 năm mới làm xong. Nếu phim được các liên hoan phim quốc tế uy tín mời tham dự thì đương nhiên chúng tôi sẽ ưu tiên cho tác phẩm điện ảnh của mình được đi “va chạm”, để học hỏi và chia sẻ cùng đồng nghiệp ở các nước khác.

- Vừa có suất chiếu chính tại rạp, lại mở thêm những suất chiếu phụ, doanh thu của phim “Những đứa trẻ trong sương” có đáng kể không, thưa chị?

- Chắc chắn là có thống kê, nhưng tôi không để ý. Thực ra các nhà rạp đang hỗ trợ chúng tôi phát hành phim. Chúng tôi biết trước rằng, giả sử mỗi ngày có 3.000 lượt xem phim, chiếu liên tục trong 4 ngày thì đã là con số rất đáng mừng. Với một bộ phim tài liệu của Pháp khi ra rạp, để có được 3.000 khán giả xem cũng phải mất một tuần. Khi quyết định khởi chiếu phim tại rạp, đạo diễn Hà Lệ Diễm thực sự mong muốn khán giả trong nước được xem phim trong điều kiện tốt: Màn ảnh rộng, âm thanh đẹp. Điều được chúng tôi ưu tiên khi khởi chiếu tại rạp là nhân vật chính của bộ phim - cô bé Di được mời đến xem, tạo ra sự ấm cúng, xúc động cho tất cả mọi người. Chúng tôi cũng xác định rằng, số lượng khán giả của dòng phim tài liệu là rất nhỏ. Chính vì vậy, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để hướng dẫn một đạo diễn trẻ lần đầu tiên làm phim mà không bị áp lực lớn từ bên ngoài, nhất là ở đề tài có sự tế nhị. Chúng tôi mong muốn đạo diễn trẻ ấy được tự do sáng tạo và có đủ thời gian để “chín” trong mối quan hệ với nhân vật, để làm phim thật tốt.

- Như vậy thì kinh phí sản xuất cũng như hậu kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào tài trợ?

- Đúng rồi. Chúng ta không có “thị trường” cho phim tài liệu nên việc đem phim ra chiếu rạp và có được doanh thu là rất khó. Vì thế, sau khi hoàn thành kịch bản, chúng tôi sẽ gửi đi “thi đấu” ở các liên hoan phim tài liệu tại Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ... để giới thiệu ý tưởng của mình. Chúng tôi phải làm cho Ban giám khảo tin rằng mình có thể làm được bộ phim ấy, và sự cần thiết của việc để đạo diễn ấy được trải nghiệm làm phim đầu tay.

Một cảnh trong phim “Những đứa trẻ trong sương”. Ảnh: Phan Đạt

- Ban đầu, Hà Lệ Diễm dự định quay hai cô bé Di và Mảo nhưng sau đó quyết định tập trung phản ánh cuộc sống của cô bé Di. Trong lúc chờ câu chuyện của Di hiện hữu một cách rõ ràng hơn, chị có sốt ruột không?

- Năm thứ hai, đạo diễn Hà Lệ Diễm quyết định tập trung quay nhân vật Di, với mong muốn có thể đi sâu tái hiện hình ảnh của một bé gái sắp trưởng thành. Chúng tôi vẫn thường nói rằng, gặp được nhân vật của mình là may mắn. Trong trường hợp này, Di là điều may mắn của Hà Lệ Diễm. Tôi hoàn toàn không sốt ruột. Để sản xuất một bộ phim tài liệu, chúng tôi thường mất 3 năm. Tôi nghĩ, nhiều khi vì rào cản ngôn ngữ nên chúng ta không hiểu được cuộc sống của đồng bào dân tộc. Việc tái hiện cuộc sống thực của họ, với ngôn ngữ của người Mông thông qua cầu nối là đạo diễn khiến cho chúng ta thực sự hiểu đồng bào của mình hơn, ở một vị thế ngang bằng. Thực sự đó là điều thú vị. Đặc biệt, khi Diễm giới thiệu những thước phim quay được trong 3 ngày diễn ra tục kéo vợ, 15 giờ phim toàn bằng tiếng Mông nhưng tôi xem không cần dịch mà vẫn thấy vô cùng thú vị.

- Chị có dự định gì sau khi “Những đứa trẻ trong sương” ra rạp?

- Một bộ phim tài liệu như thế này không bao giờ cũ. Mấy năm sau xem vẫn thế. Bộ phim lại có nhiều ý nghĩa về giáo dục, mối quan hệ giữa mẹ và con tuổi vị thành niên, ở tuổi mới lớn mà phải lựa chọn giữa truyền thống và hiện đại..., tức là có nhiều đề tài nhỏ, xung đột để có thể khai thác. Sau khi chiếu rạp, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi chiếu phim giao lưu với các bạn nước ngoài và các bạn thanh niên Việt Nam, bằng phụ đề tiếng Anh, tiếng Pháp..., và chiếu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Trần Phương Thảo!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Trần Phương Thảo: Phải có đủ thời gian để “chín” cùng nhân vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.