Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Cần có giải pháp bảo hộ phim trong nước

Thúy Đinh| 26/09/2020 05:17

(HNMCT) - Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Thanh Vân được công chúng biết đến là một đạo diễn tài năng, mẫu mực và đầy tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy qua những bộ phim có tiếng như Đời cát, Người đàn bà mộng du... Ông đã dành thời gian chia sẻ cùng Hànộimới Cuối tuần về một số vấn đề “nóng” trong việc sản xuất và phát hành phim hiện nay.

- Thưa đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, gần đây giới làm điện ảnh và công chúng đưa ra khá nhiều ý kiến về cách duyệt phim hiện nay. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Những phim do Nhà nước tài trợ đã qua rất nhiều lần thẩm định và là những đề tài “an toàn”. Nhưng an toàn quá thì không phải lúc nào cũng đem lại chất xúc tác tốt cho sự tìm tòi, sáng tạo. Còn đi vào những vấn đề tương đối phức tạp của đời sống đương đại thì nhà làm phim lại ngại bị kiểm duyệt. Tôi cho rằng bản thân những người ở hội đồng duyệt phim cũng có nỗi lo lắng riêng. Đôi khi, có tâm đấy nhưng cái tầm lại không đủ để xử lý các vấn đề phức tạp được đề cập trong phim, những vấn đề tiệm cận với ranh giới của cái hay - cái dở, cái được - cái không được. Đó là một bài toán khó! Muốn giải bài toán đó thì phải tìm cách xem xét, xử lý vấn đề ở tổng thể chứ không phải thông qua chi tiết. Sa vào chi tiết làm cho sự kiểm duyệt không có cái nhìn tổng thể.

Trước đây, có những bộ phim của tôi và vợ tôi - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang - mà cấp bộ trưởng đến thẩm định. Kể lại để thấy rằng có những bộ phim có sức sống với thời gian, đạt được những giá trị nhất định trong lịch sử điện ảnh nhưng đã có lúc một số người tham gia duyệt không đủ tầm để quyết định, suýt chút nữa làm mất đi cơ hội cho những bộ phim đó xuất hiện trong các liên hoan phim, đến với khán giả một cách rộng rãi.

Bởi thế, ngoài trách nhiệm, sự chuyên tâm thì điều quan trọng hơn nữa là tầm văn hóa của người quản lý sẽ quyết định biên độ dòng chảy điện ảnh Việt Nam.

- Ngoài vai trò quản lý thì trách nhiệm cá nhân của mỗi nghệ sĩ trong sáng tạo cũng là một yếu tố quyết định tới chất lượng nền điện ảnh. Ông thấy nền điện ảnh Việt đang đi theo hướng nào?

- Có một điều khá lạ là trong vòng vài năm trở lại đây, các nhà sản xuất có xu hướng làm nhái, làm lại, ăn theo các phim cũ của nước ngoài. Đây là một xu hướng, không chỉ ở Việt Nam, nhưng không nên khuyến khích, không nên lấy đó làm trọng tâm hay thành tích phát triển bởi khi làm những bộ phim kiểu đó là ta tuyên truyền cho văn hóa, hình ảnh nước ngoài. Theo thời gian, tôi nghĩ nó sẽ có tác động ngược vào đời sống tinh thần công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi thấy gần đây, hàng loạt tác phẩm tương đối ăn khách, thậm chí là phim ăn khách nhất, phim đạt doanh thu cao nhất đều là remake (phim làm lại). Đó là điều đáng lo ngại!

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên phim trường.

- Biết rằng chạy theo thị hiếu, làm lại phim thì không thể tạo ra một nền điện ảnh có thương hiệu mạnh, nhưng khi làm những bộ phim nghệ thuật thì chúng ta lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, phát hành. Theo ông, trước mắt cần làm gì để điện ảnh Việt có sự phát triển mạnh mẽ hơn?

- Chúng ta đang mất dần quyền kiểm soát trong lĩnh vực phát hành bởi hệ thống rạp hiện nay chủ yếu nằm trong tay các đơn vị lớn như CGV Việt Nam, Lotte Cinema... Vì thế, dù chúng ta có muốn cũng khó hỗ trợ các tác giả có tác phẩm xứng đáng được coi là nghệ thuật muốn đưa phim của mình ra rạp. Tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề cần được xem xét, đánh giá đúng mức nhằm tìm giải pháp khả thi.

Khi hệ thống rạp hoạt động dựa trên yếu tố doanh thu thì quan điểm về phim hay, phim dở, thái độ yêu, ghét được quyết định bởi những người bỏ tiền mua vé. Họ thích xem gì thì nhà rạp phục vụ loại đó. Bản thân những người bỏ tiền ra để xem phim hướng đến điều gì trong hưởng thụ văn hóa, điều đó phụ thuộc vào mức độ giáo dục, trình độ văn hóa. Có người đủ tầm để hiểu rằng thứ mà mình xem, hoặc muốn xem, là một giá trị nghệ thuật, cảm thấy hứng thú vì điều đó chứ không chỉ là sự xuất hiện của diễn viên nổi tiếng hay cảnh quay đẹp... Để có được hiểu biết đó thì cần cả một quá trình, và điện ảnh có thể tác động vào quá trình đó bằng cách làm ra những bộ phim nghệ thuật đủ sức thuyết phục công chúng nhằm hướng họ vào dòng phim nghiêm túc. Được như thế thì mới có thể nghĩ tới thương hiệu mạnh của nền điện ảnh.

Bên cạnh đó, phim Việt đang chịu sự cạnh tranh rất lớn của phim ngoại nhập ngay trên “sân nhà”. Hiện nay, mỗi năm chúng ta nhập khoảng 200 bộ phim, trong khi đó, số phim được sản xuất trong nước chỉ vào khoảng 40. Vậy thì cần phải có giải pháp để bảo hộ phim trong nước. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải có những chính sách quyết liệt như Iran, Hàn Quốc... đã áp dụng thì mới bảo vệ được nhà sản xuất phim Việt, qua đó nâng tầm điện ảnh Việt.

- Chân thành cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Cần có giải pháp bảo hộ phim trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.