(HNMCT) - Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bùi Đình Hạc là một trong những nhà làm phim thành danh ở cả hai thể loại tài liệu và phim truyện. Với những tác phẩm đặc sắc của mình, trong đó có bộ ba phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người", "Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin", "Đường về Tổ quốc", ông được coi là đạo diễn của những bộ phim mang đậm hơi thở cuộc sống.
1. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất “rừng cọ, đồi chè” Phú Thọ, khi còn đi học Bùi Đình Hạc đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm yêu thích văn nghệ. Được bầu làm quản ca, cậu bé Hạc thường bắt nhịp cho cả trường hát những bài hát thiếu nhi. Có thể nói, âm nhạc chính là nguồn nuôi dưỡng cảm xúc nghệ thuật đầu tiên trong đời Bùi Đình Hạc, cho đến khi ông được xem bộ phim “Việt Nam kháng chiến” của đạo diễn Trung Quốc Xương Hạc Linh và thực sự bị cuốn hút khi nhìn thấy con người, phong cảnh quê hương Việt Nam trên màn ảnh.
Vào một buổi chiều đông tháng 11-1953, Bùi Đình Hạc khi ấy 19 tuổi, khoác ba lô, mang thêm một bao gạo, chân đi đôi dép cao su bắt đầu cuộc hành trình 6 ngày từ quê nhà Tam Nông, Phú Thọ qua sông Lô, đèo Khế tìm đến một quán nước nhỏ tại Định Hóa, Thái Nguyên - địa điểm liên lạc của ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam từ lúc Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Sau khi trình giấy triệu tập, chàng trai trẻ Bùi Đình Hạc chính thức dấn thân vào sự nghiệp làm phim và trung thành với "sứ mệnh" đưa cuộc sống lên màn ảnh.
2. Bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một con người” của đạo diễn Bùi Đình Hạc giờ đây đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình bởi hầu như năm nào phim cũng được chiếu lại vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác. Cái khó khi làm phim tài liệu lịch sử, lại là phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là tư liệu và hình ảnh. Để thực hiện bộ phim này, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã sử dụng những đoạn phim giản dị, chân thực về Bác Hồ của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và một số cảnh phim lưu trữ để dựng lại theo cảm xúc của người làm phim, toát lên khí chất, tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim thành công và gây xúc động vì không những bảo đảm được yếu tố chân thực của thể loại tài liệu, mà còn tạo được cao trào cảm xúc từ hình ảnh Bác sống ở chiến khu Việt Bắc cho tới thời điểm Người qua đời.
Với “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin” và “Đường về Tổ quốc”, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm tư liệu. Ít ai biết rằng, bức ảnh chân dung Nguyễn Ái Quốc thời trẻ giờ đây rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông lại liên quan tới một hành trình kiếm tìm vô cùng phức tạp. Đạo diễn Bùi Đình Hạc đã phải đến tất cả các thư viện và cơ quan lưu trữ của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô để tìm ra cuốn hộ chiếu của Bác, trong đó có bức hình này.
Vượt qua mọi trở ngại, thách thức, đạo diễn Bùi Đình Hạc kiên định với phương pháp làm phim đề cao tính giản dị nhưng giàu cảm xúc của sự thật. Bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” được ông thực hiện trên tinh thần: Con người lao động, sáng tạo sẽ làm nên sức mạnh kiến thiết đất nước. Khi nước về trên những dòng sông mới đào, cả em bé người già đều mừng vui hạnh phúc. Những con người lao động trong phim được miêu tả ở từng góc độ, cho thấy cả công trường chung sức, đồng lòng dựng xây cuộc sống mới, khẳng định hơi thở thời đại của bộ phim. “Nước về Bắc Hưng Hải” đã vượt qua 15 bộ phim cùng đề tài về công trình thủy lợi trong số 70 bộ phim tài liệu dự thi để giành giải Nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Mátxcơva năm 1959.
Mỗi lần bắt tay vào thực hiện một bộ phim, dù ở bất cứ thể loại nào Bùi Đình Hạc đều quan tâm đến điều quan trọng nhất: Chất lượng. Ông luôn dành tâm huyết và sức lực cho từng dự án, như thể đó là bộ phim cuối cùng của mình. “Nguyễn Văn Trỗi”, “Hà Nội - 12 ngày đêm”, “Đường về quê mẹ” là những phim truyện đề tài chiến tranh. Tuy nhiên, các bộ phim này không có nhiều cảnh bom rơi đạn nổ mà tập trung kể câu chuyện cuộc sống của con người Việt Nam trong những năm tháng khó khăn. Đạo diễn Bùi Đình Hạc đã sử dụng thủ pháp dùng các chi tiết để làm nổi bật dụng ý họ đã sống, chiến đấu và yêu thương nhau như thế nào trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử.
Đi theo mạch cảm xúc này, các phim truyện nói trên của đạo diễn Bùi Đình Hạc không căng thẳng, không "đao to búa lớn" mà rất dung dị, lay động. “Hà Nội - 12 ngày đêm” giúp khán giả trong nước và thế giới tự hào cũng như hiểu hơn về sức mạnh, tinh thần đoàn kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại cường quốc số một thế giới. “Đường về quê mẹ” dựa trên sự kiện có thật thời chiến là trận đánh giải phóng làng Vây - Quảng Trị (trong phim đổi thành làng Vân), nhưng đó chỉ là bối cảnh lịch sử mà bộ phim mượn để qua đó ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng khiến người xem xúc động.
Trong khi đó, phim "Nguyễn Văn Trỗi" để lại dấu ấn đặc biệt với khán giả khi đạo diễn Bùi Đình Hạc và ê kíp làm phim dành nhiều thời gian để tìm những diễn viên nghiệp dư có gương mặt hao hao giống nhân vật lịch sử. Điều đó đồng nghĩa với việc ông sẽ phải mất công đào tạo, hướng dẫn để họ có thể đóng phim. Vất vả là thế nhưng ông chấp nhận để phim của mình mang đậm hơi thở cuộc sống, thời đại.
3. Hiểu được rằng điện ảnh là sự đóng góp sáng tạo của tập thể, đạo diễn Bùi Đình Hạc trân trọng và có mối quan hệ gắn bó mật thiết với những bạn nghề giỏi giang như nhà biên kịch Bành Châu, nhà quay phim Lưu Xuân Thư... Có thể nói, sự nghiệp đạo diễn của NSND Bùi Đình Hạc thành công một phần nhờ mối quan hệ thân tình, đồng cảm về quan điểm nghệ thuật, sáng tạo với các đồng nghiệp đó.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc cũng như tự hào của ông trong nghề không phải chỉ là ở những giải thưởng, bằng khen, danh hiệu... mà sâu xa nhất là ở việc được làm phim. Bên cạnh đó là những kỷ niệm thân thương khi các bạn trẻ chuẩn bị ra nước ngoài đến xin ông bản sao bộ phim "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" để mang theo cho vơi nỗi nhớ Tổ quốc, là được ngồi cạnh Bác Hồ trong buổi chiếu phim "Nguyễn Văn Trỗi" và cùng Bác nghe ý kiến đóng góp của các chiến sĩ công binh... Với ông, những khoảnh khắc ấy là vô giá.
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc sinh ngày 4-6-1934 tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ông từng đảm nhiệm những vị trí như: Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Một số tác phẩm tiêu biểu của NSND Bùi Đình Hạc: Phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” (Bông sen Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 2 - năm 1973, Huy chương Vàng tại LHP quốc tế Mátxcơva - 1959), “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” (Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần 1 - 1970, Huy chương Bạc tại LHP quốc tế Mátxcơva - 1967), phim truyện “Đường về quê mẹ” (Bông sen Vàng cho phim, giải Đạo diễn xuất sắc và Biên kịch xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 2 - 1973), phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin” và “Đường về Tổ quốc” (Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 5 - 1980), “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 9 - 1990).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.