Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Khải Hưng "oải" Gặp nhau cuối tuần

TUYETMINH| 15/06/2006 11:08

Thông tin về việc “Gặp nhau cuối tuần” sẽ dừng phát sóng khiến khán giả truyền hình xôn xao. Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng – Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam thú thật là đã

Đạo diễn Khải Hưng

Thông tin về việc “Gặp nhau cuối tuần” sẽ dừng phát sóng khiến khán giả truyền hình xôn xao. Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng – Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam thú thật là đã "oải".

- Thưa đạo diễn, vì sao lại có quyết định dừng “Gặp nhau cuối tuần” (GNCT)? Thông tin này có liên quan gì đến những biệt hiệu bóng gió kiểu như “Gặp nhau đuối dần”? Đã qua rồi “ngày cá tháng tư”, nên khán giả chắc không “chia buồn hụt” như sự kiện năm ngoái?

- Ngay khi vừa phong thanh có thông tin này, nhiều người đã gọi điện hỏi thăm, tôi trả lời không kịp.

Lần trước là một trò đùa, nhưng cũng có phần sự thật: chúng tôi cảm thấy “oải” từ hồi đó rồi. Lần này thì dừng thật. GNCT đã duy trì được sáu năm rưỡi, đang chuẩn bị tròn 7 tuổi, hoàn toàn “made in Việt Nam”.

Chẳng phải game show, không là talk show, cũng không giống phim hay kịch. Nhiều lúc nghĩ lại, chính chúng tôi cũng chẳng biết GNCT là gì?

Nhưng quan trọng nhất là khán giả đã cười, đã nhớ. Rất nhiều diễn viên hài trở thành “ngôi sao” từ chương trình này. Và thật mừng khi khán giả đã biết trân trọng lao động nghệ thuật của diễn viên nên các anh chị ấy đều đắt show cả.

Lẽ ra, cần cải tiến định dạng của chương trình, khoác cho nó một bộ mặt mới. Nhưng sau khi thành danh, các “sao” của GNCT đã không biết tôn trọng chính mình. Họ nhận lời tất tật các chương trình: làm MC, trình bày talk show, lúc diễn chính, khi diễn phụ, náo nức khắp mọi tỉnh thành, đến nỗi khán giả thấy nhàm.

- Anh cũng cho rằng nhiều gương mặt của GNCT đã “nhầu”, dẫn tới phản cảm?

- Quá “nhầu” nữa là khác. Chính người làm ra chương trình còn thấy phản cảm huống chi công chúng.

- Nhưng mặt khác, đó cũng là biểu hiện của sự “thiện chiến” trong đội quân GNCT?

- “Thiện chiến” thật. Cho nên chẳng bao giờ hội tụ được đông đủ toàn quân. Họ không từ chối chúng tôi, song hễ gọi điện là “em đang ở tỉnh này, thành nọ. Em chỉ có thể về vào ngày A, diễn cho tới giờ B, rồi lại phải đi chương trình khác”.

Hậu quả của việc chạy show quá tải là lao động nghệ thuật cho chương trình không nghiêm túc, dẫn tới sức hút kém.

- Kỷ niệm buồn nhất của anh về công việc sản xuất GNCT?

- Là một hôm vô tình bật ti vi lên, tôi thấy các anh chị ấy có mặt ở hầu như toàn bộ các chương trình truyền hình, bao gồm cả VTV, truyền hình cáp và truyền hình KTS. Kể ra, phải coi đây là điều đáng… mừng mới đúng!!!

- Vậy là từ tháng 7 tới, khán giả không được xem GNCT nữa?

- Thực ra thì Đài chưa phê chuẩn. Song, khi mà chính những người làm nghề đã đề xuất thì chẳng có lý do gì để Đài quyết định là phải làm tiếp.

- Thời gian gần đây, GNCT đã thổi được vào khán giả tiếng cười thâm thuý khi phản ánh phần lớn sự kiện văn hoá, xã hội của đời sống thực. Chẳng lẽ, các anh không thấy quý điều đó?

- Bỏ “con” thì tiếc thật đấy, nhưng mà con mình nó lớn rồi, nó khác đi rồi thì phải biết.

Sẽ vẫn có những chương trình hài được làm với định kỳ khoảng 3-4 lần/năm, vào các dịp lễ lớn, người dân có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, như: 30/4 – 1/5; 2/9; Tết dương lịch, âm lịch…

Như thế, vẫn có thể đưa lên diễn đàn những “thói hư tật xấu” của xã hội để cùng cười, mà các diễn viên và nhà sản xuất cũng đỡ khổ.

Lúc đó, có thể chúng tôi đặt tên cho chương trình là “Gặp nhau cùng cười” chẳng hạn.

- Có vẻ như các anh chấp nhận buông “con” ra để dành thời gian, tâm sức “đẻ” và “chăm” đứa khác?

- Đúng vậy. Thay thế GNCT, chúng tôi sẽ có những chương trình khác, mới mẻ hơn, có thể là hấp dẫn hơn.

Đó là một loạt phim hài được sản xuất với thời lượng 50 phút/chương trình với công nghệ truyền hình mới (thu thanh đồng bộ, làm trực tiếp tại trường quay...), phát sóng 2 lần/tuần.

- Với kinh nghiệm 7 năm làm GNCT, các anh sẽ không còn vướng phải tình cảnh “Bắc cười Nam mếu” và ngược lại?

- Gần như chắc chắn là vậy. Chương trình này đã có sức sống mấy chục năm ở nước bạn, chắc chắn không “ngại’ những dải phân cách địa lý.

- Nhưng sẽ mắc phải vấn đề về phông nền văn hoá? Mua chương trình nước ngoài, liệu người Việt Nam có cười?

- Được mua bản quyền từ Trung Quốc - hai nước chung nhau một số thứ như: biên giới, văn minh cổ đại, văn hoá hiện đại, lối sống, sự phát triển kinh tế, xã hội… - tôi dám chắc rằng sẽ  không có trở ngại đó. Lồng ghép hiện trạng của xã hội Việt Nam vào kịch bản không khó. 

- Nghe nói, trước khi các anh tiến hành chương trình này, đã có mấy đơn vị sản xuất với cùng ý tưởng và đã thất bại? Dựa vào cái gì, anh tin tưởng tuyệt đối vào thành công?

- Đúng vậy. Chúng tôi có ý tưởng đã mấy năm mà giờ mới làm được, còn họ (TP.HCM) năng động đi trước, nhưng lại trở thành “vật tế thần”.

Đọc kịch bản, tôi thấy cực kỳ yên tâm. Đội ngũ sản xuất thiện chiến rồi thì kịch bản là khâu trọng yếu. Chúng tôi sẽ trở thành đơn vị sản xuất chương trình hài số một, với tất cả những “ngón nghề” cao thủ.

- Xin cảm ơn anh!

Theo VTC News

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Khải Hưng "oải" Gặp nhau cuối tuần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.