(HNMO) - Từng thành công với nhiều phim truyền hình, đạo diễn trẻ Trần Hoài Sơn cho biết, khi làm phim về Hà Nội anh có rất nhiều trăn trở.
Đạo diễn Trần Hoài Sơn trong buổi nói chuyện riêng với PV HNMO. |
Một Hà Nội trẻ, năng động trên phim
* Phim “Giao mùa” mới trình chiếu trên khung giờ “vàng” - VTV1 Đài truyền hình Việt Nam nhưng đã có những phản hồi tích cực, đặc biệt là với những người trung niên, những người sống và gắn bó với Hà Nội. Anh có gặp khó khăn gì khi đưa văn hóa Hà Nội vào phim?
- Văn hóa Hà Nội rất đậm nét và tinh tế, nên nếu làm không khéo thì hoặc có thể sẽ lố hoặc có thể sẽ bị cho là hời hợt, nông cạn. Bộ phim “Giao mùa” lấy bối cảnh rõ nét về những con người ở những gia đình khác nhau tại Hà Nội, nếp sinh hoạt rất đặc trưng cho người Hà Nội, ví như một gia đình làm bánh ăn hỏi truyền thống luôn giữ gìn những nét tinh hoa trong các đặc sản của Hà Nội như cách làm bánh cốm, ướp trà sen; một gia đình giàu có, nền nếp nhưng có những người con toan tính; có gia đình đang phải ở nhà thuê… Các thế hệ trong những gia đình ấy có thể coi là một bộ mặt thu nhỏ của xã hội đô thị hiện đại ngày nay của Hà Nội.
Cái khó khăn khi chúng tôi đưa văn hóa Hà Nội vào phim là chọn bối cảnh. Hà Nội thay đổi rất nhanh, việc chọn bối cảnh sao cho đúng với tinh thần của bộ phim là điều chúng tôi trăn trở. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tìm được ngôi nhà Hà Nội có nội thất bài trí và cách sinh hoạt đúng với người Hà Nội gốc, sau đó phải thuyết phục xin phép chủ nhà cho quay. Việc thực hiện những bối cảnh rộng hơn cũng khá khó vì nếu mở rộng khuôn hình thì những thay đổi của phố phường sẽ phá vỡ đi ý đồ mà đoàn làm phim đặt ra.
Bộ phim đưa nhiều thông điệp về giữ gìn văn hóa truyền thống của Hà Nội. |
* Đã có rất nhiều đạo diễn làm phim về Hà Nội thành công, trong bộ phim “Giao mùa”, anh muốn gửi điều gì mới mẻ?
- Điều mới mà tôi muốn gửi gắm trong bộ phim chính là thái độ sống, nhiệt huyết và tinh thần lập nghiệp của giới trẻ khi sống tại Hà Nội. Họ là những người trẻ có tình yêu và trách nhiệm với mảnh đất mình sống cũng như có hoài bão với công việc của mình. Tôi muốn cho người xem thấy được một Hà Nội vừa truyền thống với nếp sinh hoạt tinh tế còn được lưu giữ, vừa hiện đại, năng động của thế hệ mới.
* Có câu chuyện nào của riêng anh trong bộ phim?
- Tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên với tôi Hà Nội đã là quê hương. Trong phim, tôi có quay một vài cảnh quay tại địa điểm ngày xưa tôi cùng bạn bè đá bóng, chơi đùa. Câu chuyện riêng của cá nhân tôi lồng ghép vào phim không nhiều nhưng tôi tin tính cách của nhiều nhân vật trong phim có thể đại diện cho nhiều tính cách mà khán giả bắt gặp ngoài đời.
Hai diễn viên chính của phim là Công Dũng và Huyền Lizzie |
* Anh nghĩ sao khi có người cho rằng, bộ phim có tiết tấu chậm, có phần trầm lắng, hợp với người có tuổi, không thu hút được giới trẻ?
- Chúng tôi cố tình thực hiện bộ phim có tiết tấu thật chậm vì bộ phim không đơn thuần nói về mâu thuẫn gia đình hay về tình yêu đôi lứa mà nói đến văn hóa, nếp sống của những thế hệ đang sinh sống tại Hà Nội. Ngay khi phim hoàn thành, chúng tôi cũng nhận định rằng, khán giả xem phần đông sẽ là những người ngoài 30, có trải nghiệm nhất định trong cuộc sống.
* Còn điều gì đáng tiếc khi anh hoàn thành xong bộ phim?
- Tôi vẫn còn nhiều trăn trở về Hà Nội nhưng vì những điều kiện và lý do khách quan nên chưa thể thực hiện được như ý muốn. Chúng tôi cũng muốn có những cảnh quay đẹp hơn, long lanh hơn về Hà Nội nhưng chưa thể thực hiện được như ý.
Đạo diễn có thể quát nhưng không được xúc phạm diễn viên
* Anh có hài lòng với diễn viên của mình?
- Đến bây giờ chúng tôi không có gì phải phàn nàn về nhau. Có những điều được và chưa được chúng tôi đã cùng nhau giải quyết. Còn diễn viên diễn tốt hay dở sẽ do khán giả đánh giá và nhận xét.
* Rất nhiều đạo diễn tâm sự rằng, họ rất đau đầu vì phải vào vai “người hòa giải” khi các diễn viên chính hoặc là yêu nhau hoặc là ghét nhau ở ngoài đời. Anh đã rơi vào tình huống ấy chưa?
- Chúng ta đang cư xử với nhau đúng với tinh thần pháp luật, nếu diễn viên của tôi đều chưa kết hôn thì tôi cũng không thể cấm họ không được yêu nhau và ngược lại. Tôi biết, có những đạo diễn lớn tuổi, họ có cái uy riêng giống như một ông bố trong gia đình, có thể ra lệnh “cấm” diễn viên nên và không nên làm điều gì để gây ảnh hưởng tới tiến độ của bộ phim. Với những đạo diễn trẻ như tôi, vẫn giữ quan điểm tôn trọng cuộc sống cá nhân của mỗi người khi họ kết thúc công việc diễn xuất.
* Anh đã bao giờ mắng diễn viên khi họ không thể diễn như anh muốn?
- Tôi từng quát diễn viên, nhưng cái quát ở đây là khi diễn viên cần một ai đó tiếp cho họ “lửa” hoặc động lực nào đó để họ trấn an được mình và diễn tốt hơn. Tôi chưa bao giờ mắng té tát diễn viên kiểu như xúc phạm họ vì làm thế cũng không giúp họ diễn tốt hơn. Diễn xuất rất cần cảm xúc, có lúc diễn viên không thể lấy được cảm xúc thì tôi cho dừng và để hôm sau quay tiếp.
* Chỉ đạo những diễn viên trẻ có dễ hơn những diễn viên gạo cội? Tôi được biết có những diễn viên "ngôi sao" thường xuyên để đoàn làm phim phải chờ và đạo diễn không thể bảo được họ?
- Đoàn làm phim có những nguyên tắc nhất định khi làm việc và điều tối quan trọng là tôn trọng nhau và tôn trọng công việc mình đang làm. Những diễn viên lớn, họ làm việc rất chuyên nghiệp và thường đúng giờ, tuân thủ đúng cách mà đạo diễn yêu cầu dù tuổi đời của đạo diễn trẻ hơn. Tôi cũng có nghe nhiều trường hợp nói về diễn viên ngôi sao “chảnh chọe”, nhưng cũng nên nhìn ở nhiều góc độ, có thể không phải lỗi của riêng họ mà phải xem đoàn làm phim đã đối xử với họ như thế nào để họ có thái độ ấy.
* Dự án phim tiếp theo của anh sẽ là gì?
- Tôi hiện đang là giảng viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Để có dự án phim tiếp theo sẽ còn tùy thuộc vào duyên nữa, tôi chưa thể nói trước điều gì.
* Cảm ơn anh vì những chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.