Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 17-11 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”.
Được biết, đây là lần đầu tiên, “Giao lộ sáng tạo” của Thủ đô được thí điểm hình thành dọc theo nhiều công trình di sản tiêu biểu như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp... Bên cạnh việc được chiêm ngưỡng một số công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội nhưng ít được mở cửa cho khách tham quan như Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp..., công chúng sẽ được hòa mình vào hàng trăm hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... Xuyên suốt các hoạt động này là thông điệp về sự lan tỏa tinh thần sáng tạo.
Có thể thấy, sau 3 lần tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội không chỉ mở rộng hơn về quy mô, đa dạng hơn về hoạt động mà còn có sự thay đổi đáng kể về vai trò của cộng đồng. Người dân Hà Nội từ chỗ bỡ ngỡ, hân hoan trước các sự kiện đã dần trở thành chủ thể cho nhiều hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội. Và ở lần tổ chức thứ 4 này, vai trò của người dân càng được nhấn mạnh. Theo Ban tổ chức, để sáng tạo không chỉ khu trú trong không gian lễ hội, mà còn lan tỏa đến từng người dân, lễ hội phát đi thông điệp kêu gọi các tổ chức, cá nhân... trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình.
Như vậy, không chỉ thực hiện đúng cam kết khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với hàng loạt các hoạt động sáng tạo, Hà Nội còn đang nỗ lực biến sáng tạo trở thành một phần động lực của thành phố. Ở đó mỗi người dân được tạo mọi điều kiện để tiếp cận với các hoạt động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, được khai mở về những tiềm năng sáng tạo của thành phố, và đặc biệt, được đánh thức tinh thần sáng tạo để các thế hệ người dân Hà Nội ai cũng có thể trở thành chủ thể sáng tạo. Và có lẽ, đó mới là điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất khi Hà Nội muốn củng cố thương hiệu thành phố sáng tạo, xác định vị thế là trung tâm sáng tạo của cả nước, lấy sáng tạo làm động lực phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.