Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đánh thức" não giữa, kích động "thiên tài": Đừng để… “tiền mất tật mang”!

Thu Trang| 14/12/2016 06:58

(HNM) - Gần đây, các bậc phụ huynh truyền tai nhau về những lớp học kích não giữa biến con trẻ thành

Một lớp học “đánh thức” não giữa.


Một bước thành... "thần đồng"

Theo lời quảng bá của một trung tâm tại Hà Nội, nếu biết giáo dục đúng cách, mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành "thiên tài" và phát triển não phải chính là cách duy nhất giúp trẻ phát triển cả hai bán cầu não hay toàn bộ não. Thậm chí, họ còn cho biết, trẻ em chỉ có một giai đoạn nhất định và nếu không đầu tư cho con ngay, phụ huynh sẽ vô cùng ân hận. Chi phí cho một khóa học trở thành "thiên tài" (gồm 2 ngày học chính và 12 buổi phụ trợ kéo dài trong 3 tháng) lên tới 13,5 triệu đồng và ngay cả những khóa học được khuyến mại cũng với mức giá 9 triệu đồng.

Không ít trang web còn dẫn chứng hình ảnh minh họa đầy thuyết phục về những khả năng siêu giác quan của trẻ, sau khi tham gia khóa học này. Một buổi học phụ trợ của lớp học siêu giác quan được bắt đầu bằng khoảng 15 phút hoạt động thể dục, mà theo những người hướng dẫn có tác dụng luyện tập cho bộ não. Trong nền nhạc sôi động, một “thầy giáo” vừa hướng dẫn xoay các ngón tay cái, vừa giải thích: Xoay ngón tay chỏ để tăng khả năng tư duy logic trong học tập, sáng tạo và tưởng tượng; ngón giữa tăng cường vận động để dẻo dai cơ thể, ngón áp út tăng khả năng nghe, hiểu biết, hấp thu và khả năng nói. Tiếp đến là trẻ nhỏ được bịt mắt để sờ những thẻ bài nhiều màu sắc, sau đó trẻ tự sắp xếp các thẻ bài đồng màu với nhau và theo số thứ tự từ 1 đến 9; bịt mắt và dùng tay rà qua các chữ để đọc, bịt mắt để nhận diện màu sắc và cảm nhận, tưởng tượng trong đầu những thứ mà mình đang sờ trên tay để có thể đọc to lên…

Chị Nguyễn Tuyết Mai, tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines chia sẻ: Nhiều phụ huynh đã giới thiệu cho tôi về lớp học kích thích sự phát triển não trẻ. Với mong muốn con được phát triển toàn diện, tôi quyết định đưa con gái 8 tuổi đến học. Thế nhưng, sau khi đưa con đến một trung tâm để tìm hiểu cặn kẽ về khóa học, bản thân tôi thấy hoang mang với phương pháp mang màu sắc huyền bí này. Nhiều trẻ sau một thời gian theo học đã nhận biết được các màu sắc của đồ vật khi bịt mắt. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự như thế nào cũng không thể khẳng định. Phân biệt được màu sắc khi bịt mắt cũng không có nghĩa một bước trở thành “thần đồng”.

Bác sĩ Đỗ Văn Thắng (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội): Không hiểu người ta dùng cách gì để kích thích não bộ của trẻ em, nhưng tìm hiểu qua báo chí và quảng cáo tôi thấy rất lo ngại. Mọi phương pháp đều phải qua nghiên cứu, phải được khoa học chứng minh và có đánh giá, tổng kết. Việc can thiệp một cách thiếu khoa học vào não bộ, nhất là với trẻ em là hoàn toàn không nên và khó lường được hậu họa. Đặc biệt, nếu phương pháp này áp dụng kiểu bịt mắt, tương tự như một dạng thôi miên mà sai thì gây tẩu hỏa nhập ma, rối loạn tư duy và rối loạn hành vi.

Bà Đặng Thị Mẫn, nguyên giáo viên bộ môn sinh học, Trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên) cho rằng, các bà mẹ mong muốn con học tốt nhất, thông minh nhất là chính đáng. Song, để đạt được điều này, trẻ cần được học theo những phương pháp giáo dục đã được chứng minh. Muốn thành công, không chỉ có sự thông minh, cần cả một quá trình rèn luyện thay vì một khóa học ngắn hạn kích não. Thực tế, nhiều trường hợp lúc nhỏ các em học giỏi, lớn lên lại kém dần, khiến cha mẹ bực bội mắng mỏ và các em đã có nhiều biểu hiện của trầm cảm. Tác động vào não chỉ có thể giúp ích đứa trẻ nhanh nhạy tiếp thu kiến thức và đôi khi cũng chỉ ở một lĩnh vực nào đó.

Chỉ là trò lừa đảo

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc kích não là phi khoa học và chỉ là trò lừa đảo. Phụ huynh thì mất tiền, còn con trẻ lại phải chịu một sự rèn luyện trái với khoa học. Sau khi nhận được phản ánh của người dân về các trung tâm tổ chức khóa học kích thích não, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có trao đổi và đề xuất với phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã vào cuộc kiểm tra các trung tâm nêu trên. “Việc kích thích não hoàn toàn không phải là biện pháp, kỹ thuật điều trị, can thiệp đã được y tế cấp phép” - bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) mong muốn các bậc phụ huynh nhìn nhận rõ vấn đề. Bởi lẽ, về lâu dài, nếu tiếp tục “kích hoạt não” kiểu này, trẻ sẽ bị tự kỷ ám thị, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ. Chẳng hạn, nếu theo học những lớp "kích hoạt não" một thời gian dài, trẻ sẽ luôn ám ảnh là chúng có thể làm được việc này, việc kia và có tâm lý ảo tưởng về bản thân. Như việc khi bị bịt mắt, trẻ có thể phân biệt màu sắc, nhận biết đồ vật, khả năng đọc siêu nhanh… Thế nhưng, nếu một lúc nào đó trẻ không làm được, nó sẽ phản ứng lại bằng hành vi xung động. Khi bị ám thị làm được việc đó rồi, nhưng sau không làm được, trẻ sẽ khó chịu, dồn nén, bị rối loạn tâm thần. Người dân không nên đặt niềm tin vào những trung tâm này để tránh “tiền mất tật mang”.

“Một nghiên cứu đã được các nhà khoa học trên thế giới chứng minh, trong 1.000 ngày đầu đời, nếu trẻ được chăm sóc tốt về thể chất và tinh thần, trẻ sẽ phát triển toàn diện. Do vậy, các bậc phụ huynh nên nhìn nhận rõ vấn đề, đừng tin vào một khóa học cấp tốc mà có thể thành "thiên tài" ngay được" - bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Đánh thức" não giữa, kích động "thiên tài": Đừng để… “tiền mất tật mang”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.