(HNM) - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm có một hồ Tây huyền thoại, một hồ Tây với cảnh sắc thiên nhiên làm nao lòng không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.
Nhà thơ Cao Bá Quát từng thốt lên: "Tây Hồ chân cá thị Tây Thi" (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Và hôm nay, hồ Tây vẫn là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội nhiều màu sắc, nơi người Hà Nội và du khách mong tìm về để dạo bước trên con đường liễu rủ lãng đãng sương mờ, mênh mang sóng nước, đắm mình trong vẻ thơ mộng của trời đất, của những truyền thuyết…
Du lịch vòng quanh hồ Tây hiện đang được du khách yêu thích và ưa chuộng.Ảnh: Bảo Lâm
"Nàng Tây Thi" không còn lận đận
Dự án kè bờ và làm đường dạo ven hồ Tây hoàn thành đã biến ước mơ của biết bao người được đi trọn vẹn một vòng hồ trở thành hiện thực. Ao ước ấy không chỉ là cảm giác được đặt chân lên con đường thảm nhựa phẳng phiu dài 17km không có điểm mở đầu hay kết thúc, nó còn cho ta cảm giác về sự thanh thản, niềm an tâm rằng từ nay hồ Tây sẽ mãi là đây, trọn vẹn ranh giới này không ai có thể xâm phạm được nữa. Những bức tường bê tông xám xịt, những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác, những hàng ăn ồn ã đã bị tách rời khỏi thế giới tâm linh huyền thoại với hàng chục ngôi chùa cổ kính, mái đình uy nghi, tách khỏi những truyền thuyết kỳ thú về tên gọi hồ Xác Cáo, hồ Trâu Vàng hay Dâm Đàm, gắn với những câu chuyện về cuộc đấu tranh thiện ác, vui buồn, đau thương, chiến thắng, gửi gắm nhiều triết lý sâu sắc đến mai sau. Hồ Tây hôm nay tựa như nàng Tây Thi của Cao Bá Quát, sau một hồi long đong lận đận đã tìm thấy một bờ vai đủ rộng, đủ vững chãi để được chở che. Liên tưởng như vậy có phần khiên cưỡng nhưng không chỉ có tôi, nhiều người bạn lần đầu được dạo chơi trọn vẹn một vòng hồ Tây trên tuyến đường không hề bị đứt mạch cũng có chung cái cảm giác yên lòng đó.
Trên tuyến đường ấy, chỉ sau ba tháng khai trương, từ tháng 4-2012 đến hết tháng 6-2012, tuyến ô tô điện của Công ty CP TLC Hồ Tây đã đưa 3.000 du khách, trong đó có hơn 1.000 du khách nước ngoài đến với hồ Tây. Như vậy, bây giờ người ta đến với "nàng Tây Thi" của Thủ đô không chỉ bằng những cảm xúc bất ngờ, riêng lẻ hay bột phát nữa. Người ta có thể rủ nhau đi theo đoàn, theo nhóm, có tổ chức hẳn hoi để được thỏa sức ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn mà không lo phải điều khiển ô tô hay xe máy, nhất là khi giao thông Hà Nội vẫn đang là mối bận tâm không nhỏ của du khách trong và ngoài nước. 30 rồi sắp tới sẽ là 50 chiếc xe ô tô chạy bằng điện với vận tốc trung bình 20km/h, không khí thải, không mùi xăng dầu, không tiếng ồn ã của động cơ và tất nhiên không điều hòa nhiệt độ, không cửa kính kín mít, đủ tạo cảm giác dễ chịu trong khi di chuyển để không làm mất mùi hương sen dịu mát, tinh khiết chợt đến đâu đó trong gió hồ lồng lộng, không làm giật mình bầy chim nhỏ đang lích tích trên hàng liễu rủ ven hồ.
Trên những chuyến xe tối đa chỉ chở được 9 người ấy, ngoài những đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đi theo tua, tôi còn gặp những gia đình hai, ba thế hệ đi cùng nhau. Ông bà ngồi ghế trước, đến chùa Tảo Sách, phủ Tây Hồ hoặc đền Voi Phục - Thụy Khuê lại quay xuống kể cho con cháu nghe những truyền thuyết, sự tích gắn với mỗi di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Lũ nhỏ nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại ồ lên như gặp lại người quen: "Cháu có học chuyện Trâu Vàng đấy. Cô giáo đưa chúng cháu đến thăm chùa Trấn Quốc rồi". Và chúng reo lên sung sướng khi nhìn thấy chiếc đu quay khổng lồ của Công viên Nước Hồ Tây in một vòng tròn đỏ sẫm trong ánh chiều tà. Còn với người lớn, chắc chắn không gì sung sướng bằng bỏ lại ngay sau lưng mình những ồn ã, bụi bặm, toan tính của cuộc sống thường nhật để đắm mình trong mênh mang sóng nước, với "màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời". Tôi cũng gặp những bạn trẻ mặc áo dài trắng còn cả phù hiệu đề tên trường. Cả nhóm đi riêng một xe, dừng lại thật lâu bên bến Hàn Quốc (cách gọi tên đoạn đường nằm giữa khu đầm sen Ngoại giao đoàn của những người trẻ Thủ đô bây giờ) tíu tít tạo dáng chụp ảnh khi sen đang mùa nở rộ. Những người già ngồi trầm ngâm bên chén chè sen tỏa hương thoang thoảng như ngẫm ngợi, suy tư, lại như khoan khoái, mãn nguyện, hài lòng lắm…
Những câu chuyện kỳ thú…
Xe đi qua hai mươi điểm tham quan với những ngôi đền chùa cổ kính nằm ven hồ, trong đó nhiều nơi đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, những ngôi chùa gắn với lịch sử ngàn năm của đất Kinh kỳ. Không hiểu có một sự sắp đặt kỳ diệu nào mà ven hồ Tây lại quần tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đến vậy. Thống kê chưa đầy đủ đã có đến 60 công trình văn hóa lớn nhỏ, trong đó hơn 20 di tích văn hóa tôn giáo đã được Nhà nước xếp hạng. Chưa kể đến biết bao làng nghề truyền thống như làng giấy Yên Thái, làng hoa Ngọc Hà, làng dệt lụa Thụy Khuê…
Với thời gian khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, đi một vòng hồ Tây thực chất cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", thật khó có thể cảm nhận hết được những nét đẹp lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời của vùng đất này. Cho dù mỗi xe đều được trang bị một chiếc loa nhỏ được lập trình sẵn nội dung giới thiệu những địa danh nổi tiếng nhất thì du khách vẫn cảm thấy chưa đủ. Đó mới chỉ là những tư liệu lịch sử hết sức sơ lược, còn thiếu hẳn những câu chuyện, giai thoại khiến mỗi viên ngói mái chùa hay từng con sóng nước mênh mang ngoài kia cũng trở nên hấp dẫn. Ví như nhắc đến phủ Tây Hồ thờ bà chúa Liễu Hạnh - một trong bốn vị Thánh bất tử, chúng ta kể câu chuyện về nàng công chúa Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng lỡ tay làm vỡ cái ly ngọc mà bị đày xuống trần gian. Nàng chu du khắp nơi, đến hòn đảo nhô ra giữa hồ Tây thấy cảnh hữu tình bèn dừng chân, mở quán nước để vui thú văn chương. Nhân duyên xui khiến, một lần Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan dạo chơi trên hồ thấy cảnh đẹp bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ "Tây Hồ ngự quán" còn lưu truyền đến ngày nay. Để rồi một ngày kia, Trạng nguyên trở lại tìm thì người cũ đã vắng bóng. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm tri kỷ. Phủ Tây Hồ hấp dẫn không chỉ bởi cảnh đẹp lung linh mà còn bởi xuất xứ ly kỳ, đậm chất nhân văn như thế.
Hồ Tây còn gắn với giai thoại tình yêu giữa hai con người tài mệnh Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ - một câu chuyện tình bất tử và bi thương bậc nhất trong lịch sử. Những đêm trăng sáng, giữa dập dờn sóng nước, nghe văng vẳng đâu đó tiếng thơ hóm hỉnh của cô thôn nữ thông minh, xinh đẹp đối đáp với vị quan nhân đa tài: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/Cớ sao ông hỏi hết hay còn? Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/Chồng còn chưa có, có chi con?
Hồ Tây của gió của sương, của trời mây non nước, của biết bao đền đài, quán miếu không chỉ là cảm hứng bất tận của thi ca mà hồ Tây còn là nơi bao bọc, chở che, nuôi dưỡng nhiều văn tài, trong đó phải kể đến nhà văn, nhà thơ Phùng Quán (1932-1995). Tuổi thơ dữ dội và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của ông được viết trong những ngày sống cuộc đời "cá trộm, rượu chịu, văn chui". Những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, ông được hồ Tây che chở, yêu thương. Bạn bè ông kể, vì không có tiền, những ngày sống trong một túp lều ven hồ Tây, Phùng Quán thường mua rượu chịu của bà Hai Hanh ở làng Nghi Tàm; sổ nợ là cái cột nhà, mua một lít gạch một nét, gạch ô vuông bốn bề, thêm gạch chéo nữa là năm lít. Người khác mua hôm trước hôm sau phải trả, riêng ông được đặc cách gạch ô kín chân cột, chủ quán lại xóa đi đánh dấu từ đầu. Dù trải qua những năm tháng bi thương nhất của đời người: "Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy". Phùng Quán vẫn sắt son niềm tin vào Đảng, vào sự đổi mới của đất nước. Và niềm tin của ông đã đúng. Năm 1988 ông được khôi phục danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; năm 2007 được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Còn rất nhiều câu chuyện kỳ thú - những giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với sóng nước hồ Tây mà trong thời điểm này, tua du lịch của Công ty CP TLC Hồ Tây chưa thể khai thác hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách. Ông Nguyễn Duy Uẩn, Giám đốc công ty thừa nhận, không gian của hồ Tây rất đặc biệt, chúng tôi phải cư xử vô cùng cẩn trọng. Du lịch quanh hồ Tây là một sản phẩm du lịch mới, có chiều sâu về lịch sử văn hóa và có thể nói là "có một không hai" ở Hà Nội, vì vậy chúng tôi xác định hiệu quả kinh doanh phải gắn với hiệu quả xã hội, làm du lịch không thể quên trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái. Thời gian tới, bước đầu sẽ có những sản vật của hồ Tây được đưa vào phục vụ du khách như chè sen, cơm chay tại các ngôi chùa lớn, du lịch kết hợp các hoạt động tâm linh vào những ngày rằm, mồng một Âm lịch hằng tháng. Công ty sẽ xây dựng thêm nhiều mô hình để từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Trên một diễn đàn văn hóa, Nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ: "Hồ Tây là di sản và cảnh quan gắn bó mật thiết với vương triều đã xây dựng Hoàng thành, hồ gắn liền với lịch sử sinh thành ra Thăng Long - Hà Nội. Quần thể thiên nhiên quanh hồ Tây và khu vực lân cận quả là lý tưởng cho việc bảo tồn và làm giàu một môi trường thiên nhiên văn hóa hiếm có. Đây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Việc bảo vệ và xếp hạng di tích danh thắng quốc gia đối với hồ Tây là hết sức cần thiết". Xin lấy ý kiến này để kết thúc bài viết, với niềm mong mỏi không lâu nữa hồ Tây được xem xét, công nhận là danh thắng quốc gia, để "nàng Tây Thi" của chúng ta tỏa sáng; để hồ Tây được đưa vào chiến lược bảo vệ và khai thác có hiệu quả, để khách du lịch đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của trời đất, cảm nhận chiều sâu văn hóa, lịch sử mà còn thấy hồ Tây đang được chúng ta nâng niu, gìn giữ cẩn trọng như thế nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.