(HNMO) - Ngày 8-12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong quý III, IV năm 2022, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến gỗ trong miền Nam bị cắt giảm đơn hàng.
Theo thống kê, có khoảng 1.500 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng với số lao động bị ảnh hưởng là 500.000 người và 42.000 người lao động bị mất việc làm trên toàn quốc. Đây là vấn đề mà Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cấp, ngành đang rất quan tâm.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp trong Đoàn Chủ tịch để nhận định, đánh giá về tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp để khắc phục.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành, các công đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình khi doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng, báo cáo kịp thời cấp trên; bàn các biện pháp tháo gỡ.
Trước tình hình khó khăn của người lao động, năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động với nhiều nét mới, phù hợp với tình hình thực tiễn của Tết 2023 so với những năm trước. Trong đó, hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng cho trên 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, nguồn từ tài chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn còn chỉ đạo công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, quyết định về mức chăm lo và hình thức (tiền hoặc hiện vật). Tổng Liên đoàn cũng chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện thật tốt xã hội hóa để huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân có thiện chí đối với người lao động; tổ chức các phiên chợ Tết, kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia, bán hàng giảm giá cho người lao động; chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, các công đoàn ngành báo cáo các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc chăm lo cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.