Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật: Khi bộ lọc chưa tốt

Lê Tuyết| 07/08/2012 06:15

(HNM) - Báo cáo đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật (RIA) được coi như một "bộ lọc" để lọc những chính sách pháp luật không cần thiết, không phù hợp trong thực tiễn.

Thế nhưng trên thực tế, các báo cáo đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) dường như vẫn chưa phát huy được thế mạnh của nó, nhiều luật, nghị định khi áp dụng vào thực tiễn đã bị lỗi thời hoặc chồng chéo, tác dụng ngược tới đời sống xã hội. Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ.

- Báo cáo RIA đã áp dụng ở Việt Nam từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Có thể nói RIA là một yêu cầu bắt buộc, và đó là một trong những nỗ lực cải cách trong thời gian gần đây trong quá trình xây dựng luật pháp của chúng ta. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nguyên nhân khách quan có thể do đây là vấn đề mới, kỹ năng của chúng ta chưa thể đáp ứng. Nhưng theo tôi, quan trọng hơn là chúng ta chưa coi RIA như một phương pháp tư duy, như một công cụ phân tích chính sách để áp dụng thực chất, mà chúng ta áp dụng nó một cách hình thức, đối phó.

Bộ Y tế từng ban hành và thu hồi quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông vì nặng tính chủ quan, thiếu thực tế. Ảnh: Hồ Ý

- Chính vì những nguyên nhân đó mà nhiều văn bản ra đời chưa mang lại lợi ích cho xã hội, mà ngược lại còn gây ra gánh nặng hành chính và thêm chi phí cho đối tượng tuân thủ cũng như các cơ quan quản lý. Thưa ông, có phải vì chúng ta chưa có một “bộ lọc” tốt?

- Thực ra chưa có “bộ lọc” tốt chỉ là một trong những nguyên nhân. Chúng ta vẫn thiên về kiểm soát quản lý hơn là thúc đẩy và tạo điều kiện; đồng thời quy trình soạn thảo của chúng ta cũng có nhiều vấn đề, đặc biệt là trong đó chưa làm nổi bật được những tiêu chí thế nào là một văn bản có chất lượng và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc nâng cao chất lượng pháp luật.

- Theo ông, người dân và DN có vai trò gì và tại sao họ nên tham gia và cần quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng chính sách?

- Về nguyên tắc thì người dân và DN là đối tượng điều chỉnh của pháp luật và chính sách. Vì vậy, họ là một bên cần tham vấn. Chính vì vậy mà người dân và DN nói chung cần tích cực hơn trong việc chia sẻ với các cơ quan nhà nước, các đơn vị tư vấn, đặc biệt là với tổ chức của mình. Tuy nhiên, người dân và DN thì họ đơn lẻ nên chúng ta phải tạo điều kiện cho họ làm việc trong những tổ chức của họ như là các hiệp hội, hội và các tổ chức quần chúng khác. Và những tổ chức này phải thực sự tích cực nâng cao năng lực của mình (có nghiên cứu, khảo sát, có theo dõi một cách hệ thống) để có những bằng chứng khách quan và khoa học trong việc tham vấn một cách hữu ích đối với các cơ quan nhà nước. Như vậy, họ bảo vệ lợi ích được chính mình, ngăn ngừa được những tác động bất lợi mà các VBQPPL có thể tác động đến các đối tượng điều chỉnh ấy.

- Để có những báo cáo RIA thiết thực và hiệu quả thì chúng ta chỉ có thể trông chờ vào cái “tâm” của người thực hiện. Tuy vậy, cái “tâm” nghe chừng có vẻ khó định lượng được?

- Đúng là nói cái “tâm” thì khó định lượng được, nhưng tôi thấy rằng, chúng ta vẫn có thể quan sát và theo dõi được. Nếu một người có tâm đam mê việc xây dựng chính sách pháp luật và có tâm muốn chính sách pháp luật đó thực sự tốt để phụng sự tốt cho xã hội thì họ làm việc một cách thực tâm. Họ sẽ tổ chức các hình thức tham vấn một cách cởi mở, chân tình, chia sẻ thông tin đầy đủ với các bên có liên quan; đồng thời, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản biện chính đáng, đúng đắn để bổ sung vào dự thảo để chất lượng dự thảo được tăng lên. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát và kiểm nghiệm được. Từ đó, khích lệ được người làm tốt và phê phán được những ai chỉ làm chiếu lệ.

- Nhiều nước trên thế giới có một cơ quan độc lập “gác cổng” về chất lượng chính sách pháp luật và thẩm định những báo cáo RIA. Cơ quan này cũng có thể tiến hành những nghiên cứu độc lập để tính toán liệu những chi phí tuân thủ quy định hành chính hiện hành chiếm bao nhiêu phần trăm kinh tế quốc dân. Theo ông, Việt Nam có cần thiết thành lập cơ quan tương tự như vậy không?

- Tôi cho rằng một cơ quan như thế là cần thiết nhưng chưa đủ. Để cơ quan đó hoạt động một cách tốt và đạt hiệu quả mong muốn thì chúng ta còn phải thay đổi rất nhiều thứ. Đầu tiên là cần thay đổi tư duy về xây dựng chính sách. Thứ hai là quy trình phải thay đổi và thứ ba là cần phải có áp lực buộc tất cả các bên có liên quan phải có trách nhiệm làm việc để có được văn bản có chất lượng tốt.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật: Khi bộ lọc chưa tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.