(HNM) - Hàng loạt
Làm cho có...
Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, hay trước đó là dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang) tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bức tử” sông Hậu... đã cho thấy những bất cập trong thực hiện ĐTM hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các dự án đều làm cho có, mang tính hình thức và ĐTM gần như chủ yếu là thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp và chủ đầu tư để được phê duyệt dự án.
Thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường sẽ góp phần ngăn chặn từ đầu hoạt động xả thải không đạt chuẩn. Ảnh: Giang Sơn |
Theo ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), còn nhiều dự án bỏ qua bước ĐTM, chưa lập hồ sơ hoạt động sau ĐTM, hoặc có những dự án thực hiện ĐTM làm cho có. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ dự án giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo ĐTM không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án…
Hiện nay, theo thông lệ quốc tế, chi phí để lập một báo cáo ĐTM thường chiếm 1-3% tổng kinh phí của một dự án. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn có những dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM chỉ là vài chục triệu đồng. Đặc biệt, thủ tục thực hiện ĐTM vẫn giao cho chủ đầu tư tiến hành, hoặc thuê đơn vị tư vấn độc lập, như vậy rất khó giữ được tính khách quan. Cùng với đó, theo Luật Bảo vệ môi trường 2015, ngoài Bộ TN-MT, các bộ, ngành khác cũng có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc ngành quản lý. Việc phân cấp như vậy dễ làm mất đi tính độc lập trong quá trình thẩm định khi các bộ, ngành khó có thể phản bác các dự án do chính mình đưa vào quy hoạch phát triển.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn thừa nhận: "ĐTM vẫn mang tính chất chung chung và là hình thức doanh nghiệp qua mắt để được đầu tư. Cần phải xem xét ĐTM trong giai đoạn cấp giấy phép xây dựng, thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường".
Tham vấn cộng đồng và hậu kiểm chặt chẽ
Theo PGS.TS Lê Trình, để ĐTM thực sự là công cụ quản lý môi trường, các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp và dân chúng cần xem xét ĐTM theo quan điểm phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ TN-MT, an sinh xã hội. Đối với các dự án có quy mô lớn, vị trí nhạy cảm, nên quy định hai bước thực hiện ĐTM. Bước đầu thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư (hoặc nghiên cứu tiền khả thi) theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2015. Nếu ĐTM sơ bộ được thông qua, thì sau khi có thiết kế kỹ thuật và thông tin cụ thể về các thông số kỹ thuật, phương án thi công, vận hành, thì cần cụ thể hóa hơn quá trình này: Bổ sung, dự báo, đánh giá một cách chi tiết các tác động đến môi trường và xã hội; đề xuất biện pháp giảm thiểu, chương trình quản lý môi trường ở mức chi tiết và hoàn thiện báo cáo ĐTM. Đặc biệt, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực có kinh nghiệm và được đào tạo về ĐTM. Cần công khai thông tin rộng rãi cho chính quyền, nhân dân địa phương biết.
Còn theo TS Nguyễn Khắc Kinh, Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, một trong những bước quan trọng của báo cáo ĐTM chính là tham vấn ý kiến cộng đồng. Đặc biệt, vấn đề hậu kiểm sau dự án cần được quan tâm đúng mức và chặt chẽ. Lâu nay thủ tục này bị bỏ quên vì có ý kiến cho rằng, nhiều thủ tục sẽ gây cản trở, không thu hút được đầu tư. Chính vì bỏ lọt, sót nhiều khâu, nên thời gian qua nhiều dự án bộc lộ rõ không ít bất cập gây tác động xấu tới môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.