(HNM) - Băng tần 700MHz được ví có giá trị kim cương vốn được dành cho phát sóng truyền hình công nghệ tương tự (analog) và dự kiến sẽ được “giải phóng” hoàn toàn vào năm 2019 khi lộ trình số hóa truyền hình mặt đất kết thúc.
Băng tần 700MHz vốn được thế giới dùng cho phát triển truyền hình analog và theo xu hướng chung, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tiến hành số hóa truyền hình để khai thác băng tần có giá trị kim cương.
Cục Tần số Vô tuyến điện giới thiệu việc thử nghiệm 5G tại Việt Nam. |
Đến cuối năm 2015, Liên minh Viễn thông thế giới ITU đã quyết định phân bổ băng tần này cho phát triển di động trên toàn thế giới. Đó cũng là cơ sở để nhiều quốc gia lên kế hoạch dùng băng tần này cho di động sau khi hoàn thành quá trình số hóa truyền hình.
Hiện, Mỹ là quốc gia cho phép triển khai băng tần 700MHz sớm nhất, tiếp đến là một số nước ở Châu Á, trong đó có Nhật Bản; Australia cũng đang lên kế hoạch thương mại hóa băng tần này; Ủy ban Châu Âu (EC) đã lên kế hoạch sử dụng băng tần 700MHz cho di động vào năm 2020 dùng để phát triển 5G…
Tại Việt Nam, quá trình số hóa truyền hình mặt đất đã hoàn thành xong giai đoạn 1 và 2 cùng với 6 tỉnh của giai đoạn 3 (vào ngày 31-12-2017); tính đến đầu năm 2018, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố thực hiện xong việc số hóa truyền hình. Ước tính, hiện cả nước có tới 65% dân số được xem truyền hình số.
Giai đoạn 3, sẽ có thêm 12 tỉnh, thành phố thực hiện số hóa truyền hình vào ngày 31-12-2018. Các tỉnh, thành phố còn lại sẽ thực hiện theo kế hoạch vào ngày 31-12-2019. Như vậy, hết năm 2019 băng tần 700MHz đã được “giải phóng” hoàn toàn.
Do đặc điểm kỹ thuật, băng tần 700MHz là băng tần thấp nên có khả năng phủ rộng, thích hợp với việc cung cấp dịch vụ di động ở vùng đồng bằng, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cũng do đặc điểm công nghệ nên nếu đưa băng tần này vào khai thác sẽ có suất đầu tư thấp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp viễn thông.
Về mặt lý thuyết, ước tính suất đầu tư cho việc lắp đặt trạm thu phát sóng ở băng tần 700MHz chỉ bằng 25-30% so với suất đầu tư cho băng tần cao (như 1.800MHz, 2.100MHz, 2.600MHz); tất nhiên con số này cũng còn phụ thuộc vào sự tối ưu mạng lưới của mỗi nhà mạng, song nếu khai thác băng tần 700MHz nhà mạng sẽ tiết kiệm được chi phí lớn so với các băng tần khác.
Vì thế, dải băng tần 700MHz được ví có giá trị kim cương với nhà mạng và cũng vì vậy mà hai tập đoàn Viettel và VNPT đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép thử nghiệm để cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 700MHz sớm cấp phép cho doanh nghiệp khi hoàn thành số hóa truyền hình.
Hiện các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1.800MHz vốn dành cho 2G nên chất lượng không bảo đảm. Cụ thể, các nhà mạng chỉ được sử dụng 10-15 MHz ở băng tần 1.800MHz cho 4G, khiến tốc độ đỉnh chỉ đạt 40Mbps, trong khi đó tốc độ đỉnh thực sự của 4G lên tới 1Gbps.
Vì vậy, trong khi việc đấu giá băng tần 2.600MHz chưa thể triển khai do phải trình sửa đổi lại một số quy định pháp luật hiện hành, nếu được cơ quan quản lý sớm cho khai thác băng tần 700MHz, sẽ giúp bổ sung thêm dung lượng, giúp các nhà mạng bảo đảm tốc độ trải nghiệm 4G và chất lượng cung cấp dịch vụ. Hiện mới có hơn 50% tỉnh, thành phố xong quá trình số hóa truyền hình có thể khai thác băng tần 700MHz.
Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng quy hoạch sử dụng băng tần 700MHz để dùng cho phát triển băng rộng di động; trong đó, đề xuất phương án tổ chức đấu giá băng tần này (như kế hoạch đấu giá băng tần 2.600MHz)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.