Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặng Tin Tưởng và cảm thức Hồ Gươm

Trang Thanh Hiền| 23/05/2010 04:39

(HNM) - Những cây phượng là là trên mặt nước, những cây phượng rực rỡ của mùa hè, cây phượng trơ khấc cành của mùa đông. Đây đó thấp thoáng mái cong của những ngôi đền cổ.

Cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn… gần 30 tác phẩm sơn mài khắc, mực nho màu nước trên giấy dó và acrilic trên toan trong triển lãm Hồ Gươm tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền lần này dường như mang một phong vị gì đó khá đặc biệt trong tranh của họa sĩ Đặng Tin Tưởng.

Hồ Gươm xanh, acrilic trên toan - 2006.

Là một họa sĩ đồ họa, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam trước những năm giải phóng. Trong suốt thời tuổi trẻ, ông từng có mặt trên các chiến trường miền Bắc, để khắc họa lại sự sôi động của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại, nhưng đồng thời cũng là dịp để ông có thể ghi chép lại các phong cảnh, danh thắng đất Việt. Đặng Tin Tưởng một thời được xem là tác gia của những bức tranh khắc đồ sộ về danh lam kiến trúc cổ như "Đền thờ Nguyễn Trãi", "đền Ngọc Sơn trong ngày hội", "Xuân Đất Việt"… Tác phẩm của ông cũng có mặt trong hầu khắp các bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia và tư nhân. Nhưng, có lẽ nghệ thuật đã không có điểm dừng. Với Đặng Tin Tưởng, trong vòng 10 năm trở lại đây, nghệ thuật của ông đã rẽ sang một lối khác, mà ở đó nhu cầu nội tâm dường như đã tìm được một giá trị mới. Chúng phá bỏ mọi rào cản, mọi nguyên tắc để tung hoành. Khác xa với những bức tranh khắc tỷ mỉ kỳ khu, cẩn trọng đến từng chi tiết thì giờ đây tranh giấy dó, sơn dầu, acrilic lại bật lên được hình ảnh một con người khác trong ông. Một con người phóng khoáng tự do với một sự tri kiến về thiên nhiên bằng tất cả những từng trải của mình. Những bức tranh "Hồ Gươm" trong triển lãm lần này cũng như loạt tranh Sa Pa trong triển lãm trước đó của ông có lẽ cũng chỉ là cái cớ để người nghệ sĩ có thể dãi bày lòng mình qua những nét bút. Hồ Gươm hiện lên đôi khi chỉ là những nét chấm phá tưởng chừng rất sơ lược nhưng người ta có thể nhận ra ở đó một Hà Nội với đầy đủ những dáng nét thâm trầm cổ kính cũng như sôi động rực rỡ trong cuộc sống đương đại hôm nay.

Có lẽ phong cách này ông đã nhận được và chịu ảnh hưởng không ít từ người bạn, cũng là họa sĩ đàn anh Trần Lưu Hậu trong những chuyến đi dài ngày về miền núi. Cái khoáng đạt của núi rừng khiến con người ta mở lòng và nội lực mạnh mẽ không phải do con mắt nhìn mà do cái tâm được thắp sáng đã khiến ông trở nên mạnh mẽ. Và hồ Gươm trên mặt toan với acrilic hay giấy dó, mực nho, màu nước theo một thói quen đã được làm thành từ tâm hồn của người họa sĩ già về tuổi đời, tuổi nghề, nhưng vẫn trẻ trung rực rỡ trong tình yêu với nghệ thuật. Tuy vậy, thói quen của những người làm đồ họa lâu năm dường như vẫn ẩn tàng trong con người này. Nó đòi hỏi người họa sĩ phải có được những tri kiến rất cụ thể, chi tiết về hình ảnh. Do đó bên cạnh những nét bút tưởng chừng như những nét phóng bút và kệ cho màu sắc được loang nhòa theo độ thẩm thấu của giấy mực, hay sự chồng xếp của những lớp màu dầu, acrilic, thì những nét mái cong, một điểm nhấn chính xác của kiến trúc, tỷ lệ đã khiến cho tranh ông trở nên có hồn. Chính những chi tiết này đã khiến cho tranh ông vừa mang dáng nét bay bổng của một người chỉ quan tâm đến cảm xúc, nhưng đồng thời sâu thẳm bên trong đó lại là hiểu biết rất cặn kẽ về cảnh vật. Chúng cũng khiến cho người xem thoạt đầu chỉ cảm thấy như những tác phẩm này quá ư là cẩu thả, dễ dãi, nhưng càng ngắm, càng trầm lắng lại cùng cảm xúc thì lại càng thấy chúng sâu thẳm hút mắt. Đặc biệt là những bức vẽ acrilic, cái đậm nhạt, cái thưa mau của những nét màu đã tạo nên những lớp nền khác nhau của cảnh vật. Ngoài ra, phong cảnh Hồ Gươm đối với ông qua những tác phẩm này không chỉ đơn thuần là những hình ảnh hiện hữu Tháp bút, đài nghiên, cầu Thê Húc, tháp Hòa Phong, mà ở đó còn chứa đựng những giá trị lịch sử con người và cảnh vật. Những cây gạo, hay cây cổ thụ trăm năm trước cổng đền Ngọc Sơn mặc dầu giờ đây không còn nữa, nhưng với Đặng Tin Tưởng thì nó vẫn sống như một phần thiết yếu của ngôi đền. Tháp rùa với cành phượng là là rủ sát mặt nước, hay phía xa là phố xá cổ xưa, hay một Thăng Long toàn cảnh, với tháp chuông nhà thờ lớn, cầu Long Biên, đã khiến cho Hồ Gươm của ông không còn đơn thuần là phong cảnh, không đơn thuần là cái ta nhìn thấy, tri giác được, mà là ký ức của tình yêu Hà Nội đến cháy lòng.

Ông vẽ như một kẻ lãng du tung hoành với bút mực, sơn toan. Mặc dầu thời gian gần đây, thị lực của ông đã yếu đi nhiều theo năm tháng, nhưng dường như vẽ cũng là một cách để luyện mắt, luyện tay. Và hơn tất thảy, ông vẽ cho niềm say mê của mình không bao giờ nguôi, cạn, để cảm thấy cuộc đời mình tràn ngập niềm vui và lẽ sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặng Tin Tưởng và cảm thức Hồ Gươm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.