Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặng Thùy Trâm qua lời kể của người chị kết nghĩa

VANKHANH| 23/08/2005 16:38

Một buổi chiều, phố núi Plei Ku sẫm mờ trong những cơn mưa vật vã, tôi tìm đến căn nhà số 47 đường Lý Tự Trọng. Mở cửa cho tôi là chị Khiêm. Chị bảo: Từ hôm báo đăng nhật ký của Thùy Trâm, nỗi tiếc thương Trâm bao lâu nay tôi vẫn nén chặt trong lòng, bây giờ oà ra khiến tôi không sao cầm được nước mắt. Những ngày sống bên nhau cứ lần lượt hiện về, tươi ròng như mới hôm qua...

...Vào một ngày đầu tháng 3 năm 1967, Thùy Trâm đến bệnh xá Đức Phổ nhận công tác. Sự có mặt của một bác sĩ trẻ dễ thương đến từ Thủ đô Hà Nội khiến cái không khí căng thẳng, ngột ngạt của bệnh xá trong vòng vây siết của kẻ thù như được giãn nở chốc lát. Mọi người tíu tít bắt tay thăm hỏi. Nhưng liền sau niềm vui ấy là nỗi lo lắng mà không ai tiện nói ra: khó khăn ác liệt thế này, một cô gái như Thùy Trâm không biết có chịu đựng nổi không...

Bệnh xá Đức Phổ ngày ấy đóng ở khu vực núi Đồng Răm giáp giới Ba Tơ và An Lão. Quân số của bệnh xá thường dao động khoảng 20-25 người. Bác sĩ chỉ có anh Long, anh Khả và Thùy Trâm (Anh Long ở Ban dân y, chỉ có mặt ở bệnh xá những lúc cần thiết). Thùy Trâm là nữ bác sĩ duy nhất và cũng trẻ nhất...

Trong bối cảnh ác liệt của những năm 1967-1970 đến một ống thuốc giảm đau nhiều khi cũng không có; dịch truyền phải dùng bằng nước dừa; gạo chủ yếu để giành cho thương binh, còn chúng tôi quanh năm khoai lang, rau rừng và nước mắm là chính. Bệnh xá luôn bị máy bay địch rình rập đánh phá. Chúng soi mói tùng lùm cây, từng sắc màu khả nghi để tiêu diệt cho được cái bệnh xá trơ lì gan góc...

Những ngày đầu Thùy Trâm nhớ nhà khóc sướt mướt. Thấy Trâm thiếu thốn tình cảm, bọn trẻ chúng tôi đều hiểu và rất thương. Từ sự quý mến nhau, bốn đứa chúng tôi là Khiêm - Trâm - Nghĩa - Thường (du kích) kết nghĩa chị em. Tôi lớn hơn cả (Chị Khiêm sinh năm 1941- TG) làm chị hai, Trâm là thứ (sau này Trâm giận Nghĩa kết nghĩa lại với Thuận).

Mẹ tôi cũng nhận Thùy Trâm làm con nuôi, lo cho Trâm như con đẻ. Từ ngày Thùy Trâm hi sinh, bà cúng giỗ cho đến khi mộ Trâm được cất bốc về quê...

Thùy Trâm hòa nhập với hoàn cảnh và cứng cáp lên rất nhanh. Anh em trong bệnh xá - và đặc biệt là dân ở cơ sở rất thương mến... Suốt gần ba năm trời sống bên nhau, tình cảm giữa tôi và Thùy Trâm còn sâu nặng hơn cả chị em ruột thịt. Trong những năm tháng đầy ắp tình thương ấy, tôi muốn được kể lại hai kỷ niệm với Thùy Trâm...

Lần đầu gặp lính Mỹ

Tháng 5/1967, tôi và Thùy Trâm nhận được lệnh đi cơ sở để phục vụ cho trận đánh đồn núi Dâu. Đây cũng là chuyến đi cơ sở đầu tiên của Trâm. Chúng tôi vào nhà Bà Rân - một cơ sở chuẩn bị tiếp đón thương binh... Nghe tiếng súng lúc gần lúc xa vọng đến, hai chị em cứ thấp thỏm cầu trời khấn Phật đừng có nhiều thương binh, nhất là thương binh nặng.

Đến quãng ba giờ sáng, anh em chuyển về ba thương binh. Công việc vừa xong, chưa kịp thu dọn thì bỗng nghe đập cửa và tiếng xì xồ bên ngoài. Chết rồi, lính Mỹ! Sao chúng đến tận đây mà cơ sở xung quanh không hay biết để đánh tiếng?

Bất ngờ quá, bà Rân chỉ còn kịp giấu khẩu súng xuống đống củi, còn tôi và Thùy Trâm thì mỗi người một bên ngăn không cho chúng bước vào nhà. Hai thằng Mỹ còn rất trẻ, vừa chĩa súng vào chúng tôi vừa luôn miệng "Vi xi? Vi xi?". Nhìn Thùy Trâm có vẻ cuống, tôi ra hiệu cho Trâm bình tĩnh và xua tay lia lịa "No Vi xi". Sợ chúng nhận ra giọng Trâm, tôi bịt miệng ra dấu đừng nói. Nhưng có lẽ cuống quá, Trâm cứ luôn miệng "No Vi xi, No Vi xi".

Lúc tôi và Trâm đang giằng co với chúng thì hai thương binh nhẹ - anh Sơn và anh Lệ mở cửa sau chạy. Thấy bóng người, chúng bỏ tôi và Thùy Trâm đuổi theo bắn loạn xạ. Nhân cơ hội, chúng tôi chạy vào xóa mọi dấu vết. Nhưng còn anh Móc. Bí quá, chúng tôi đành giấu anh lên mái hiên.

Không đuổi kịp, hai tên Mỹ quay lại. Chẳng khó khăn gì, chúng tìm thấy anh Móc và chĩa súng nạt: "Vi xi, xuống!". Chúng tôi ra dấu lia lịa, ý rằng đây là con trai bà già, bị thương do pháo Mỹ bắn. Không chịu, hai tên Mỹ ra hiệu cởi băng ra cho chúng xem vết thương. Ngó nghiêng một hồi, tự nhiên chúng bỏ đi. Hú hồn!

Đoán thế nào chúng cũng quay lại, bà Rân bảo cậu con trai dẫn anh Móc đi rồi mở hầm bí mật cho chúng tôi xuống. Quả nhiên, hai tên Mỹ quay lại thật. Lần này chúng dẫn theo một tên Ngụy. Chúng tra hỏi bà Rân: "Mấy người lúc nãy chạy đâu". Bà Rân một mực: "Chạy ra ngoài biển rồi".

Sục sạo không thấy gì, chúng tung mìn phá banh căn hầm trú ẩn của bà Rân. Suốt ba ngày liền, chúng cứ lởn vởn lùng sục. Tôi và Thùy Trâm đành nằm im dưới hầm chịu đói... Chuyến ấy ai cũng nghĩ là chúng tôi chết rồi. Rất may là hai tên Mỹ này có lẽ mới qua nên chưa có kinh nghiệm.

Về bệnh xá, mọi người xúm lại đòi kể cho nghe lính Mỹ thế nào. Thùy Trâm cười: "Các chị ở trong này mà lại không được gặp Mỹ trước em. Còn bộ dạng chúng thế nào ấy à? Cao to, trắng trẻo lại đẹp trai nữa. Em và chị Hai đã giành lại thương binh trong tay chúng đấy"!

"Nếu chị em mình cùng chết ai sẽ gửi Nhật ký về nhà?"

Một lần vào đầu năm 1968, Thùy Trâm cùng chúng tôi xuống đồng bằng cõng gạo. Biết đoạn đường qua Đồng Lớn địch thường phục kích, trước khi đi Thùy Trâm lấy cuốn nhật ký bỏ vào ăng-gô dặn tôi: "Nếu em có mệnh hệ gì thì chị nhớ gửi về cho gia đình em".

Quả nhiên, tới Đồng Lớn thì chúng tôi gặp bọn Mỹ phục kích. Chúng bắn như mưa rồi gọi máy bay tới đổ quân. Chúng tôi chạy toán loạn mỗi người mỗi ngả. Tôi nghĩ lần này chắc Thùy Trâm "bị" rồi. Trâm yếu, không chạy được như mọi người...

Đến chiều tối chúng tôi mới tìm lại được nhau. May mắn là Thùy Trâm không việc gì, cả đoàn chỉ thiếu mỗi cô Lý. Về đến bệnh xá thì chúng tôi nhận được tin Lý hi sinh. Trâm ngồi thần ra rồi bỗng bật khóc nức nở, vừa khóc vừa ghi nhật ký lia lịa. Lát sau Trâm nghẹn ngào: "Chị ơi, em là người chậm chạp nhất, sao em không chết mà lại là chị ấy...". Tôi phải an ủi mãi Trâm mới nguôi. Rồi với nụ cười còn vương nước mắt, Trâm bảo tôi: "Lúc ấy em cầm chắc mình khó thoát nên cứ cầu trời khấn Phật mong cho chị đừng có làm sao. Nếu cả hai chị em mình cùng chết, ai sẽ gửi nhật ký về cho ba mẹ em?"

Những bức thư chưa công bố của Đặng Thuỳ Trâm

Tháng 8 năm 1969, tôi được điều động lên Gia Lai công tác. Từ ngày tôi đi cho đến lúc hi sinh, Thùy Trâm viết cho tôi hàng chục lá thư. Dường như không niềm uẩn khúc nào mà Trâm không tâm sự cùng tôi. Thật tiếc là những thư Trâm viết tôi đã đốt đi, bởi những lần mang ra đọc lại thấy thương em không chịu nổi. Chỉ còn một số thư tôi đã chép vào nhật ký:

Ngày 20 tháng 10 năm 1969

"Chị ơi, chị đi rồi còn em ở lại với các anh. Tình hình quê mình rất ác liệt. Từ khi chị còn sống ở quê đến nay chưa có lúc nào ác liệt như vậy. Cái sống và cái chết đe dọa hàng ngày với tụi em. Trên bom dưới đạn, với một cô gái tiểu thư như em, từ mái trường XHCN bước vào Nam, em chưa thấy lần nào ác liệt như lần này. Nếu chiến tranh cứ kéo dài mãi thế này chắc em không có ngày trở về miền Bắc thân yêu để gặp ba má và các em em. Ngày ấy thì thế nào hả chị?

...Về việc riêng tư của em, em đang vùi sâu nó vào một nơi xa thẳm. Nói như vậy nhưng chị ơi khó lắm. Hình ảnh M. (Người yêu Thùy Trâm - TG) ngày ngày vẫn ở trong trí óc em. Ngoài những giờ phút miệt mài chăm sóc thương binh, em vẫn nghĩ tới M. Ngày mai em sẽ về đồng bằng. Ý định của em là muốn xin về Phổ Cường gặp mẹ (mẹ nuôi - đã nói ở trên - TG) để tâm sự cho đỡ nhớ thương..."

22 tháng 4 năm 1970

Xa chị lâu ngày em rất nhớ. Nhớ thương chị da diết, em ước gì có cánh để bay lên núi rừng Gia Lai tìm chị, sống với chị để ấp ủ dưới bàn tay của chị trong những ngày xa nhớ. Mỗi lần về quê vắng bóng chị, em thấy mình như mất đi một cái gì trong sâu thẳm.

Nhớ những ngày bốn chị em mình ngồi trên bãi biển Quy Thuận trong những đêm trăng sáng tâm sự, em cảm thấy nhớ da diết. Nhớ chị, nhớ ba mẹ và các em em ngoài Hà Nội nữa... Chị ơi, có ngày nào chị em mình gặp nhau nữa không, hay là... Chiến tranh ác liệt vô vàn.

Ở dưới này em chưa có lúc nào ngồi đàng hoàng để ăn cho trọn một bữa cơm. Thương binh về tấp nập, tụi em phải ngày đêm vừa phục vụ vừa tìm gạo củi để nấu cho thương binh ăn... Trong gian khổ, em càng thấy tự hào được cống hiến sức trẻ của mình cho chiến trường. Miền Nam khói lửa đau thương vô vàn nhưng vinh quang không ít. Một ngày mai khi sạch bóng quân thù, chị em sẽ gặp nhau tại quê hương thân yêu của chị...

20 tháng 5 năm 1970

Đi công tác về, vừa đến nhà nhận được thư chị em rất mừng; cảm giác như chị em mình đã sống lại những ngày ở Phổ Cường, Phổ Hiệp... Cái ác liệt ở quê mình giờ đây càng thêm cháy bỏng. Bệnh xá bị đánh liên tục. Gạo không có, thương binh đói khát, tụi em cũng đói cũng khổ. Bốn bên biệt kích đi lùng, trên đầu HU1A quần lộn. Em ước mong những giây phút này chị ở bên em để sưởi ấm lòng em qua bao ngày căng thẳng, đau thương, chết chóc. Mới đây 5 người đã ngã xuống trước mặt em. Chiến tranh sao tàn ác đến thế hả chị... Một cô gái tiểu tư sản như em, vào chiến trường này, không một ngày ngừng ngơi bom đạn kẻ thù, tưởng chừng như cái chết luôn đến với mình. Vạn tấm lòng nhớ thương đều dồn hết vào tâm trí của em. Ngày nào em được trở về miền Bắc để cầm tay mẹ em, ba em; để được mẹ cưng chiều như những ngày trẻ thơ hở chị...

Nói như vậy không có nghĩa đứa em này bi quan trước những chông gai nguy hiểm đâu. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xứng với tình thương của chị, của mẹ và anh em, bạn bè đồng chí - những người đã dìu dắt, giúp đỡ em trong cuộc chiến đấu ác liệt này để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng đã giao cho em. Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng Miền Nam vẫn in sâu trong trí óc của em. Chị hãy tin em chị nhé!

Nếu mai này khi đất nước thanh bình chị trở về vắng bóng em,chị có nhớ đứa em tiểu tư sản này không? Hãy đốt cho em một nén hương chị nhé...

Lá thư cuối cùng của Thùy Trâm đến tay tôi sau khi viết hai ngày; và đúng một tháng sau thì em hi sinh (22/6/1970)... Đọc thư Thùy Trâm lúc đó tôi cảm giác là Trâm linh cảm cái chết đang đến với mình rất gần. Cố gạt đi những suy nghĩ ám ảnh, tôi viết thư động viên Thùy Trâm không nên có những ý nghĩ xui xẻo. Sự ác liệt rồi sẽ qua đi, Thùy Trâm sẽ có ngày đưa chị ra thăm Hà Nội như em đã hứa... Thư chưa khịp đến tay Thùy Trâm thì ngày 28 tháng 6 tôi nhận được thư anh Tân (Bí thư Huyện ủy Đức Phổ): "Em ơi Thùy Trâm đã hi sinh trong một chuyến công tác. Nỗi mất mát này đau đớn vô cùng. Anh em mình hãy biến đau thương thành hành động để trả thù cho Trâm nghe em..."

Bởi tâm hồn thánh thiện mà Thùy Trâm đã có một cái chết thật linh thiêng; để những gì Trâm để lại cho đời không rơi vào quên lãng...

"Tưởng người nên lại thấy người về đây..."

VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặng Thùy Trâm qua lời kể của người chị kết nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.