(HNM) - Thời gian gần đây, lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa, Đà Nẵng tăng đột biến, góp phần làm tăng doanh thu cho ngành
Xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử
Trong buổi đối thoại diễn ra ngày 1-7 với lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, nhiều HDV tiếng Trung người Việt Nam bức xúc cho biết, hằng ngày họ phải chạm mặt HDV người Trung Quốc đang hoạt động ở Đà Nẵng. Thủ đoạn chủ yếu của HDV ngoại là sử dụng các sitting guide (HDV tại chỗ) làm "bình phong" nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Đó là HDV người Việt được thuê đi cùng đoàn nhưng... không được phép nói gì, chỉ lo làm thủ tục khi gặp thanh tra. Điều đáng lo ngại là những HDV ngoại, hoạt động chui này thường xuyên tạc về lịch sử, văn hóa Việt Nam, chẳng hạn như giới thiệu với khách là Đại nội Huế có lối kiến trúc giống Trung Quốc bởi trước đây nơi này thuộc Trung Quốc, hay Biển Đông là biển Nam Trung Quốc... Cách xuyên tạc một cách trắng trợn đó đã khiến nhiều người bức xúc.
Xue Chun Zhe (hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc) xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi dẫn đoàn khách Trung Quốc tham quan Đà Nẵng. |
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Tổng cục Du lịch đã làm gì để chấn chỉnh tình trạng HDV nước ngoài hoạt động “chui” và xuyên tạc lịch sử Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo Sở Du lịch Đà Nẵng "gỡ" băng thu thập được để kiểm tra thông tin. Nếu đúng như dư luận phản ánh thì Tổng cục Du lịch sẽ đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Công an TP Đà Nẵng cùng với Sở Du lịch Đà Nẵng xử phạt hành chính đối với những cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có liên quan; yêu cầu trục xuất những kẻ xuyên tạc. Tổng cục Du lịch đang thu thập chứng cứ, nếu đầy đủ bằng chứng thì sẽ có văn bản gửi Cục Du lịch Trung Quốc để thông tin về nội dung này, đồng thời đề nghị Cục Du lịch Trung Quốc xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành Trung Quốc đưa đối tượng có hành vi sai trái vào Việt Nam.
Tuy vậy, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nếu chúng ta chỉ trục xuất một vài cá nhân thôi thì chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Ông Vũ Thế Bình nói: "Từ lâu rồi, chúng tôi rất khổ tâm khi phải xử lý người Việt mình - những người đã tiếp tay cho hành vi xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Một số HDV của Việt Nam bây giờ chỉ chăm chăm nghĩ đến khoản tiền thù lao, để mặc cho một số người Trung Quốc nói bậy bạ về Việt Nam. Theo tôi, ngành Du lịch cần kiểm tra hoạt động của HDV, nếu HDV đưa khách đi mà không hành nghề thì phải bị xử lý".
Tổng cục Du lịch vừa có văn bản gửi các Sở VH,TT&DL, Sở Du lịch trên phạm vi toàn quốc, yêu cầu rà soát toàn bộ phần việc liên quan đến hướng dẫn du lịch nhằm phát hiện thiếu sót trong quản lý, cấp phép, sử dụng HDV du lịch nước ngoài; nắm bắt nhu cầu về HDV của địa phương để tìm giải pháp điều chỉnh. Địa phương nào thiếu HDV thì cần phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo bổ sung một cách hợp lý. |
Bị động trong dự báo thị trường, đào tạo hướng dẫn viên
Tình trạng lộn xộn do HDV nước ngoài gây nên một phần xuất phát từ thực tế là ngành Du lịch thiếu HDV. Theo thống kê, tính đến ngày 21-6-2016, cả nước có 9.920 HDV quốc tế và 7.467 HDV nội địa. Cơ cấu HDV mất cân đối nghiêm trọng, cụ thể: Trong số 9.920 HDV quốc tế thì HDV tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Trung có 1.586, tiếng Pháp 1.135, tiếng Đức 412 và HDV tiếng Hàn Quốc chỉ có 73 người... Cơ cấu HDV của các tỉnh, thành phố cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hà Nội có 2.819 HDV quốc tế và 1.303 HDV nội địa; con số này ở TP Hồ Chí Minh lần lượt là 2.556 và 2.357, Quảng Ninh là 311 và 101. Một số địa phương thiếu HDV trầm trọng, điển hình như tỉnh Bình Phước chỉ có 2 HDV nội địa. Do thiếu HDV và do tình trạng mất cân đối nói trên nên khi khách Trung Quốc ồ ạt vào Nha Trang, Đà Nẵng, một số đơn vị lữ hành đã “lách luật”, sử dụng HDV vô tội vạ. "Đây là bài học về công tác quản lý, dự báo và đào tạo HDV, trong đó, trách nhiệm của phía nhà trường là rất lớn. Các trường đã không nắm bắt được nhu cầu của thị trường để có phương án đào tạo cho tương xứng. Về phần mình, Tổng cục Du lịch thừa nhận là việc định hướng, dự báo lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa có phần bị động" - ông Ngô Hoài Chung nói.
Không chỉ thiếu HDV, chất lượng của HDV cũng có vấn đề. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt, Trưởng ban HDV Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường, trong đó hơn 60% thuộc hệ đại học nhưng chỉ có 5% gắn bó với nghề. Các trường đại học thường đào tạo "thập cẩm", từ địa lý du lịch, môi trường du lịch, văn hóa du lịch đến Việt Nam học, trong khi các công ty lữ hành chỉ cần HDV hoặc nhà thiết kế, điều hành tour. Nhiều trường đại học cùng đào tạo du lịch, kết quả là nhiều nơi lâm vào cảnh thiếu cả người học lẫn người dạy, phải hạ chuẩn để mời gọi cả trò lẫn thầy. Sự yếu kém về chất lượng đào tạo đã "làm khổ" cả sinh viên và các công ty lữ hành. Nói về điều này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours khẳng định: "Sinh viên ngành du lịch, dù học ở trường đại học hay cao đẳng thì để sử dụng được, tất cả các công ty lữ hành đều phải đào tạo lại".
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Lữ hành Hanoitourist cho rằng, chúng ta cần chỉnh đốn công tác đào tạo HDV tại các trường đại học, cao đẳng, từ việc xác định chỉ tiêu, ngành học đến phương pháp và hình thức đào tạo để tránh những hệ lụy từ sự "thiếu và yếu" này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.