Nghi thức dâng lễ tưởng niệm Nhị vị Thành hoàng làng đình Đông Xã (444 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) được các dòng họ, gia đình và du khách thực hiện nghiêm trang, kính cẩn, nhân kỷ niệm ngày hóa của Nhị vị Thành hoàng làng.
Sáng 1-1-2025 (tức ngày 2-12 năm Giáp Thìn), tại đình Đông Xã (444 phố Thụy Khuê, Hà Nội), các dòng họ, gia đình thuộc địa bàn một số khu dân cư trên phường Bưởi (quận Tây Hồ) và du khách thập phương đã cùng trang trọng thực hiện nghi thức dâng lễ tưởng niệm Nhị vị Thành hoàng làng đình Đông Xã nhân kỷ niệm ngày hóa của Nhị vị Thành hoàng làng. Tương truyền, đình Đông Xã thờ 2 vị thần: Bảo Hựu Đại Vương và Quý Minh Đại Vương, theo truyền thuyết là các vị tướng thời Hùng Vương, đã cùng Tản Viên Sơn Thánh lập nhiều công lao trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ người dân, giữ yên bờ cõi.
Theo Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 6, phường Bưởi, quận Tây Hồ Nguyễn Đăng Hùng, do tình hình việc trùng tu chùa Mật Dụng nằm kề cận đình Đông Xã đang trong quá trình thi công, vật liệu xây dựng còn ngổn ngang nên năm nay, Tiểu ban quản lý di tích ở địa phương tập trung thực hiện phần lễ, không tổ chức phần hội. Dù vậy, chương trình vẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia, bởi hoạt động dâng hương tưởng niệm Nhị vị Thành hoàng làng là hoạt động tín ngưỡng giàu truyền thống, được tổ chức thường niên, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, vinh danh công lao của những người có công với dân, với nước.
Trong khuôn khổ chương trình, dưới sự hướng dẫn của Tiểu ban quản lý di tích địa phương, các dòng họ, gia đình, du khách đã cùng trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống, xem màn trống khai mạc, xem các đội Tế thực hiện nghi thức dâng lễ…
Đình Đông Xã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 381/QĐ-UB ngày 18-1-2006. Hiện tại, bộ phận cấu thành của di tích bao gồm: Cổng đình ở phía trước, sân và đình gồm đại bái và hậu cung. Giá trị kiến trúc của ngôi đình còn được lưu lại qua năm gian nhà gỗ - tiêu biểu cho kiến trúc thời Nguyễn. Đặc biệt, trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật mang giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật cao: Hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị thờ các vị thần, bia đá, thần tích, hương án, cửa võng, sắc phong, kiệu gỗ... Đây là những tiêu bản quý giá góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu phong tục tập quán của cộng đồng cư dân làng xã và lịch sử địa phương.
Đình còn là nơi thờ ông tổ nghề làm giấy, ghi dấu ấn lịch sử một thời người dân địa phương nổi tiếng với nghề làm giấy dó, còn được nhắc nhớ trong câu ca dao: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Đối với nhân dân trong vùng, ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân, là nơi thực hành tín ngưỡng, nguyện cầu những điều tốt lành cho mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng là nơi bảo lưu những giá trị phong tục tập quán tốt đẹp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.