(HNMO) - Sáng 14-11, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã dâng hương tưởng niệm, tri ân danh nhân Chu Văn An tại đền thờ danh nhân Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).
Đây là một những sự kiện chính kỷ niệm 650 Ngày mất danh nhân Chu Văn An (1370-2020) - người có công với nền giáo dục nước nhà.
Tham gia lễ dâng hương có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn đại biểu đã dâng hương và nghe đọc Chúc văn tưởng nhớ công ơn danh nhân Chu Văn An. Nội dung Chúc văn nêu rõ, danh nhân Chu Văn An là nhà giáo lỗi lạc, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học. Tư tưởng giáo dục của ông đề cao tính nhân văn, tiến bộ vượt thời đại; nội dung giáo dục luôn hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu, thanh cao. Việc học phải đi đôi với thực hành, học suốt đời để hiểu biết, để làm việc, cống hiến cho xã hội…
Danh nhân Chu Văn An tên thật là Chu An, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với việc dạy học và làm thầy ở ba không gian: Quê hương Thanh Liệt (Thanh Trì), Văn Miếu - Quốc Tử Giám và huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương).
Thời gian ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho các Thái tử. Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh Công, tước phẩm cao nhất trong hạng tước và được thờ tự tại Văn Miếu. Ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 2019.
Hiện nay, cả nước có 12 điểm thờ tự danh nhân Chu Văn An và tên của ông được đặt cho 50 trường học, 33 đường phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.