(HNM) - Tối 26-7, cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, diễn ra tại 4 điểm cầu...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội dự cầu truyền hình đặc biệt “Dáng đứng Việt Nam” tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
Dự chương trình tại đầu cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tại đầu cầu Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tham dự tại đầu cầu Quảng Trị có đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Mở đầu chương trình, khán giả được chứng kiến lễ tri ân các Anh hùng liệt sĩ được tổ chức tại 4 điểm cầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thắp nén nhang thơm, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Xuyên suốt nội dung chương trình là những câu chuyện cảm động về sự hy sinh oanh liệt, lặng thầm của các Anh hùng liệt sĩ, những cuộc gặp gỡ đầy tình người, hành trình tìm kiếm thân nhân, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bền bỉ.
Đó là câu chuyện về liệt sĩ 19 tuổi Nguyễn Kỳ Sơn, hy sinh trong trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị; chuyện về mẹ liệt sĩ Dương Thị Tạo ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch và mẹ Nguyễn Thị Tròn, xã Ninh Hải, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mòn mỏi đợi con về...
Đó là những thông tin về địa chỉ các hài cốt liệt sĩ do các nhân chứng đáng tin cậy cung cấp, trong đó có những nhân chứng đến từ bên kia chiến tuyến. Chương trình còn có hàng chục phóng sự được thực hiện tại Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Quảng Bình...
Qua những câu chuyện thời chiến, những cuộc giao lưu với nhân chứng, thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, những ca khúc cách mạng được dàn dựng công phu, cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” một lần nữa chuyển tải thông điệp về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" quý báu của dân tộc, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc, về sự tri ân sâu sắc, cho thấy các thế hệ người Việt Nam không bao giờ quên công lao to lớn của những Anh hùng liệt sĩ, người có công với Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.