(HNM) - Chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha diễn ra ngày 2-10 được coi là cơ hội để hai nước củng cố quan hệ ngoại giao song phương, thể hiện tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. |
Thương mại, đầu tư, tình hình khu vực và an ninh - quân sự là những vấn đề chính được thảo luận trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Phát biểu trước báo giới, nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa nhấn mạnh, mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên quan trọng và Thái Lan là đối tác tuyệt vời để Mỹ quan hệ hợp tác thương mại. Hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về việc mở rộng hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hành động quân sự tại khu vực tranh chấp này.
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha diễn ra 3 năm sau một vụ đảo chính quân sự đưa ông lên nắm quyền ở Thái Lan và ít ngày cựu Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra bị tuyên án vắng mặt 5 năm tù giam. Sau cuộc binh biến ở Thái Lan, quan hệ giữa hai nước từng rơi vào căng thẳng và Mỹ đã ngừng chương trình viện trợ, huấn luyện cho quân đội Thái Lan khiến Bangkok bất bình.
Giống như chính quyền tiền nhiệm, chính quyền của ông D.Trump khẳng định chỉ khôi phục đầy đủ quan hệ với Thái Lan khi nước này trở lại nền dân chủ. Tuy nhiên, động thái trải thảm đỏ đón Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đánh dấu sự chuyển hướng trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ. Với phương châm "Nước Mỹ là trên hết", Tổng thống D.Trump coi lợi ích thương mại và chiến lược của Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Theo thống kê của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại năm 2016 của Mỹ với Thái Lan ở mức 18,9 tỷ USD. Trong một thập kỷ qua, thương mại hai chiều giữa Washington và Bangkok đã tăng hơn 36%, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Thái Lan tăng hơn 30% lên 10,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ gồm máy móc, máy bay, các thiết bị y tế và nhiều mặt hàng khác.
Theo các nhà phân tích, việc thay đổi lập trường với Thái Lan nằm trong chuỗi nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh tại Châu Á để bảo đảm sự hợp tác của các nước trong việc gây áp lực lên Triều Tiên. Mỹ cho rằng có rất nhiều công ty bình phong của Triều Tiên hoạt động ở Thái Lan và Washington đang nỗ lực kêu gọi người Thái đóng cửa các công ty này. Đây cũng được coi là động thái nhằm đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á. Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Susan Thornton nhận định, việc Mỹ nối lại quan hệ với Thái Lan là một cách tiếp cận thực dụng nhằm tăng sức nặng cho lịch trình đối ngoại của Tổng thống D.Trump. Bởi Thái Lan không chỉ giữ vị thế chiến lược tại khu vực mà còn là nhân tố quan trọng trong cộng đồng ASEAN. Với Thái Lan, khi ông D.Trump lên làm Tổng thống Mỹ, Thái Lan đã tuyên bố sẽ thay đổi chính sách đối ngoại để phù hợp với tình hình. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng khẳng định, Thái Lan sẽ nỗ lực để tăng cường mối quan hệ thân thiết kéo dài hơn 180 năm với Mỹ.
Chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Thái Lan là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Bangkok và Washington. "Tảng băng dần tan" trong quan hệ Mỹ - Thái Lan cũng được xem như một biện pháp đối trọng với chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại đầy tham vọng của Trung Quốc với toàn thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.