(HNM) - Từ ngày 19-12-1946 đến 17-2-1947, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp. Nhìn lại 75 năm Toàn quốc kháng chiến, cũng là những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, càng thấy rõ bản lĩnh vững vàng và phẩm chất quý báu của đội ngũ đảng viên thuộc Đảng bộ Hà Nội. Đây là những bài học còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Chú trọng công tác tư tưởng, bồi đắp và rèn luyện đảng viên
Ở vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, Đảng bộ Hà Nội đặc biệt coi trọng việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Theo đó, các lớp huấn luyện ngắn ngày thường xuyên được mở, đồng chí Lê Trung Toản là Thành ủy viên, phụ trách việc mời giảng viên là các đồng chí Xứ ủy viên như Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Trân hoặc Thành ủy viên như Đỗ Đức Kiên, Trần Danh Tuyên, Khuất Duy Tiến.
Báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng và báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh thật sự là công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Nhiều quần chúng trung kiên đã trở thành đảng viên mới trong hai đợt kết nạp Đảng vào cuối năm 1945 và ngày 6-1-1946. Đến đầu năm 1946, Đảng bộ Hà Nội đã có hơn 200 đảng viên.
60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, từ Khu XI xuống các liên khu đều có Ban Tuyên truyền làm nhiệm vụ thông tin kịp thời tin tức của Mặt trận Hà Nội. Báo Thủ đô của Ủy ban hành chính kháng chiến khu XI, báo Chiến thắng, Cờ chiến thắng, Cảm tử của Liên khu I, báo Tin tức của Liên khu II là công cụ tuyên truyền sắc bén, kịp thời của Đảng bộ; động viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chiến đấu kiên cường trên chiến lũy. Lễ Quyết tử được tổ chức trang trọng ở Liên khu II, III trước ngày 19-12-1946, ở Liên khu I ngày 14-1-1947 là cách tổ chức và tuyên truyền, động viên tinh thần cao nhất, xả thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc của các chiến sĩ Thủ đô anh hùng.
Phát huy năng lực, trình độ đảng viên
Một đặc điểm riêng biệt của Đảng bộ Hà Nội thời kỳ này là đa số đảng viên ở cả nội, ngoại thành có trình độ học vấn khá cao, nhiều người đã từng được học tập, tiếp thu tinh hoa văn minh - văn hóa phương Đông, phương Tây và tôi luyện trong Cách mạng Tháng Tám nên các chiến sĩ cộng sản thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực lãnh đạo, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng vô cùng khó khăn khi Đảng đã tuyên bố tự giải tán, rút vào hoạt động bí mật. Do đó trong công tác cán bộ, Đảng bộ Hà Nội đã tạo điều kiện cho đảng viên phát huy tốt năng lực, trình độ trong công cuộc “kháng chiến, kiến quốc”.
Sau Hội nghị quân sự toàn quốc (ngày 19-10-1946), cả nước gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm phái viên trung ương phụ trách Mặt trận Hà Nội. Công tác bố trí lại cán bộ, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền từ Khu XI xuống cơ sở được thực hiện ngay trong tháng 11-1946. Để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền về một mối, Khu XI và ba liên khu nội thành, 5 khu ngoại thành đều theo mô hình chung: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ (sau ngày 19-12-1946 đổi thành Ủy ban hành chính kháng chiến). Các đồng chí ủy viên kiêm nhiệm phụ trách các đoàn thể cứu quốc địa phương mình.
Đặc biệt, ba liên khu ủy nội thành được tăng cường cán bộ của Khu XI. Cán bộ chỉ huy Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Công an xung phong được bố trí xuống các khu phố để hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến - tự vệ thành trong việc bố trí lực lượng tác chiến, đào hào, đắp ụ, làm công sự phòng ngự... Bí thư Đảng đoàn của các đoàn thể đa số là đảng viên trưởng thành từ phong trào nên hiểu nguyện vọng và giữ vững được khối đoàn kết của quần chúng, dù kẻ thù luôn tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại.
Chính do cách tổ chức và sử dụng cán bộ theo phương pháp chặt chẽ, tinh gọn, thống nhất từ trên xuống cơ sở mà Đảng bộ đã phát huy sức mạnh của quân và dân Thủ đô trên mặt trận đô thị; chiến thắng kẻ thù với những sư đoàn quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại.
Tổ chức cơ sở Đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo
Trung tuần tháng 11-1945, theo chỉ đạo chung của Trung ương, các tổ chức Đảng của Đảng bộ Hà Nội rút vào bí mật. Thành ủy lấy danh nghĩa Thành bộ Việt Minh (sau đó là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác) để hoạt động.
Từ tháng 8-1945 đến tháng 5-1946, chi bộ ở các khu phố nội thành và các làng xã ngoại thành đều là chi bộ ghép vì có ít đảng viên. Ngoài ra, các đoàn thể quần chúng, các nhà máy, công sở cũng có chi bộ (cứ đủ 3 đảng viên thì được tổ chức thành chi bộ) như Hỏa xa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Xưởng Avia, Hãng S.T.A.I, các xí nghiệp rượu, bia, nước đá, Bưu điện Bờ Hồ, Đèn Bờ Hồ. Chi bộ của các cơ quan trung ương và Xứ ủy của Vệ quốc đoàn, Sở Công an Bắc bộ do trung ương phụ trách.
Từ tháng 5-1946, thành phố tổ chức lại địa giới hành chính, gồm 17 khu phố nội thành và 5 khu ngoại thành; do đó, không còn chi bộ ghép. Hầu như mỗi khu phố nội thành và mỗi khu ngoại thành đều có một chi bộ. Tháng 11-1946, toàn Đảng bộ có 400 đảng viên. Trong chiến đấu “lửa thử vàng”, nhiều đồng chí được kết nạp ngay sau trận đánh. Đến ngày 17-2-1947 (ngày ta rút quân khỏi nội thành), toàn Đảng bộ có 511 đảng viên.
Mặc dù số lượng đảng viên còn ít, nhưng mỗi chi bộ là hạt nhân tổ chức, lãnh đạo, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thật sự tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng. Năng lực tổ chức và sức mạnh chiến đấu của mỗi chi bộ Đảng bắt nguồn từ tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ sự nghiệp cách mạng, làm công bộc của nhân dân, tránh xa mọi bệnh tham nhũng, ức hiếp nhân dân, quan liêu, cửa quyền... đặt lợi ích của giai cấp, dân tộc lên trên hết, nâng cao ý chí, kỷ luật của người đảng viên trước mọi gian khổ, hiểm nghèo. Sức chiến đấu của chi bộ Đảng chính là sự thống nhất ý chí và hành động của đảng viên vì độc lập, tự do của đất nước.
…75 năm đã qua, từ tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021), chúng ta càng thấm thía những bài học vô giá mà lịch sử để lại nhằm tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội thực sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, để Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.