Theo thống kê của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, toàn thành phố có 160.013 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được triển khai ở 3 cấp (thành phố; quận, huyện; cơ sở), 4 lĩnh vực (kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị).
Các mô hình “dân vận khéo” đã góp phần giải quyết được những vấn đề bức xúc, phức tạp, việc mới, việc khó.
Trung bình mỗi năm, tính từ năm 2009, toàn thành phố Hà Nội có hơn 10.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai. Nổi bật, HĐND các cấp thành phố đổi mới hoạt động theo hướng thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng. Khối chính quyền triển khai công tác dân vận gắn với đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Khối quận, huyện, thị xã triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của địa phương. Tiêu biểu là mô hình “Dân vận khéo” trong công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Từ kết quả này đã giúp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao, như mô hình trồng hoa ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, với giá trị 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm; các mô hình chăn nuôi thủy sản ở một số huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm cho giá trị khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nổi bật là các mô hình vận động nhân dân xã hội hóa xây dựng thư viện, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài như “Tiếng trống học bài”, xây dựng “Quỹ khuyến học” được triển khai rộng khắp tại các quận, huyện, thị xã. Mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng lan tỏa.
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai gắn với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nổi bật là mô hình “Vận động, xã hội hóa lắp camera an ninh” của phường Khương Thượng, quận Đống Đa; mô hình “Dân vận khéo” trong vận động xây dựng mô hình hộ gia đình an toàn của phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm...
Với mục tiêu đưa phong trào “Dân vận khéo” trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực, tự nguyện, tự giác của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, Thành ủy Hà Nội đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta từ Đại hội XIII của Đảng đã có bước đột phá quan trọng. Từ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, người dân cũng là đối tượng được “thụ hưởng” chính sách. Mọi chủ trương của thành phố khi ban hành đều hướng đến mục tiêu cao nhất: Vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Để triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” với quan điểm trọng dân, gần dân, dựa vào nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu việc triển khai phong trào “Dân vận khéo” trong tình hình mới cần tiếp tục hướng đến những công việc, nhiệm vụ cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, các chi bộ, tổ dân phố và thôn xóm.
Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào việc động viên nhân dân giữ gìn ngõ, phố “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là cuộc cách mạng, là thời cơ và cơ hội để Thủ đô có bước phát triển đột phá. Đặc biệt, trong quá trình thành phố tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố, từ đó góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên:
Hướng đến lợi ích của nhân dân
Thời gian qua, việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Đông Anh gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, khu vui chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên cây xanh, mặt nước ao hồ… được đầu tư khang trang, sạch đẹp, trực tiếp phục vụ đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân. Hướng đến lợi ích của nhân dân nên huyện đã nhận được niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân để tiếp tục nhiệm vụ phát triển huyện theo hướng đô thị. Các mô hình "Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng", "Hiến đất mở đường"… được các xã, thị trấn triển khai tích cực; hàng nghìn hộ dân đã đồng ý với phương án hỗ trợ, hàng nghìn ngôi mộ được di dời.
Huyện Đông Anh sẽ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì Nguyễn Đức Thịnh:
Phát huy vai trò các tổ hòa giải, người có uy tín
Huyện Ba Vì đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong đó chú trọng ở 7 xã miền núi của huyện, phát huy có hiệu quả các mô hình “Ngõ, xóm liên gia tự quản”, “Tự phòng, tự quản”, “Toàn dân cung cấp tin báo tố giác tội phạm”. Huyện cũng đã phát huy các tổ hòa giải, vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thành phố, huyện...
Thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng dân cư, dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Bí thư Đảng ủy phường Bưởi, quận Tây Hồ Nguyễn Thị Ánh Ngọc:
Bền bỉ giải quyết dứt điểm những “điểm nóng”
Nhờ kiên trì vận động, Đảng ủy phường Bưởi đã hòa giải thành công vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai kéo dài hơn 20 năm của hai gia đình; vận động thành công 28 hộ gia đình trả lại diện tích đất công lấn chiếm tại Di tích đền Vệ Quốc, đình Trích Sài, chùa Mật Dụng, đình Hồ Khẩu.
Thực tế triển khai công tác dân vận cho thấy, người đứng đầu cấp ủy phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chỉ đạo, tháo gỡ giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền; phải luôn tự học hỏi, tự trau dồi kiến thức ở trong mọi lĩnh vực, cập nhật các quy định, chính sách mới của Nhà nước để luôn giữ thế chủ động và kịp thời giải quyết những thắc mắc của người dân. Từ đó, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ vận động, hòa giải, cần thực hiện trên tinh thần kiên trì, bền bỉ, đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm, bền vững, không để phát sinh thành "điểm nóng" tại cơ sở.
Nguyên Anh lược ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.