(HNMO) - Ngày 17-12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) đã công bố các kết quả chủ yếu của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (IPS).
Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là một cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn nhằm phục vụ việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020. Sự thay đổi nhân khẩu học đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách kịp thời, phù hợp trong các lĩnh vực như: giáo dục, việc làm, an sinh xã hội…
Ảnh minh họa từ internet. |
Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4.646.355 người, trung bình mỗi năm tăng 929.271 người. Tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06% giai đoạn từ 2009-2014, thấp hơn so với tỷ suất tăng dân số 1,2% mỗi năm trong giai đoạn 1999-2009. Tổng tỷ suất sinh là 2,09 trẻ trên một phụ nữ. Các kết quả trên khẳng định rằng, tỷ lệ sinh của Việt Nam đang tiếp tục giảm và ổn định dưới mức sinh thay thế trong thập kỷ vừa qua.
Ba tỉnh, thành phố có số dân trên 3 triệu người là thành phố Hồ Chí Minh (7,955 triệu người), Hà Nội (7,067 triệu người) và tỉnh Thanh Hóa (3,491 triệu người).
Điều tra cũng cho thấy điều kiện sinh hoạt của người dân đang được cải thiện khá rõ; trong đó 46,6% hộ gia đình sống trong nhà kiên cố, 43,7% hộ sống trong nhà bán kiên cố, 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% hộ có nhà đơn sơ. Diện tích ở bình quân của cả nước là 20,6m2/người.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho cuộc điều tra này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.