Chuyện đó đây

Dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp, gây lo ngại tăng trưởng dài hạn

Kim Phượng 17/01/2024 - 11:14

Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế cũng như tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới.

dan-so.png
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số. Ảnh: Reuters

Reuters ngày 17-1 dẫn nguồn Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, tổng số dân ở Trung Quốc đã giảm 2,08 triệu người, tương đương 0,15%, xuống còn 1,409 tỷ người vào năm 2023. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm dân số 850.000 người vào năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 1961.

Số ca sinh mới giảm 5,7%, xuống 9,02 triệu người và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 ca sinh vào năm 2022.

Tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm mạnh trong nhiều thập kỷ do chính sách 1 con được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015 và quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong thời kỳ đó. Giống như những đợt bùng nổ kinh tế trước đây ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một lượng lớn dân số đã di chuyển từ các vùng nông thôn của Trung Quốc đến các thành phố, nơi việc sinh con tốn kém hơn.

Dữ liệu mới làm tăng thêm lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới đang giảm dần do có ít người lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người già và phúc lợi hưu trí ngày càng tăng, gây áp lực cho chính quyền địa phương.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái, làm dấy lên nhiều tranh luận về giá trị của việc chuyển một số chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc sang các thị trường khác, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Về lâu dài, các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận thấy, dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp 3 lần mức giảm so với dự báo trước đó vào năm 2019.

Chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em cao khiến nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc ngại sinh con, trong khi sự bất ổn trên thị trường việc làm khiến nhiều phụ nữ không muốn tạm dừng sự nghiệp.

Chính quyền địa phương đã công bố nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích sinh con, bao gồm khấu trừ thuế, nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp nhà ở... Tuy nhiên, một viện chính sách ở Bắc Kinh cho biết, nhiều chính sách đã không được thực hiện do không đủ kinh phí và thiếu động lực từ chính quyền địa phương, đồng thời kêu gọi ban hành một chương trình trợ cấp gia đình thống nhất trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp, gây lo ngại tăng trưởng dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.