(HNMO) – Theo số liệu vừa được công bố ngày 26/2, dân số Nhật Bản đã giảm gần 1 triệu người trong vòng 5 năm qua. Đây là lần đầu tiên dân số ghi nhận đà giảm kể từ khi các số liệu chính thức được thống kê vào năm 1920.
Dân số giảm là một thông tin không mấy tốt lành đối với nền kinh tế đang nằm trong vòng xoáy suy thoái của đất nước mặt trời mọc. Hiện tại, dân số Nhật Bản ở mức 127,1 triệu người, giảm 0,7% trong giai đoạn 2010-2015.
Các số liệu cho thấy dân số đang co hẹp tại 39 khu vực trên toàn quốc. Chỉ 8 khu vực ghi nhận dân số tăng. 9 khu vực thành thị hiện đang chiếm 53,9% dân số Nhật Bản, nhưng những khu vực này lại là nơi ghi nhận sự sụt giảm dân số nghiêm trọng nhất.
Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt việc giải quyết vấn đề sụt giảm dân số là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số hiện nay tại Nhật là điều không thể.
Theo dự báo của Mỹ, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới mức 83 triệu người vào năm 2100. Trong đó, 35% dân số sẽ có tuổi đời trên 65. Kể cả khi tỷ lệ sinh tăng từ 1,4 trẻ/mẹ lên mức mục tiêu do Thủ tướng Abe đề ra là 1,8 trẻ/mẹ và Nhật Bản tiếp nhận thêm người nhập cư, dân số nước này cũng khó có thể tránh được mức suy giảm xuống dưới 100 triệu người.
Dân số giảm và già hóa đặt ra thách thức lớn đối với kinh tế Nhật Bản. |
Học thuyết Abenomics do ông Abe khởi xướng đặt mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ đang đứng trước thách thức lớn khi nền kinh tế suy giảm mạnh hơn dự báo. Trong quý 4 năm ngoái, kinh tế Nhật Bản co hẹp với tốc độ thường niên 1,4%.
Dân số già đang chồng chất thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế có gánh nặng nợ công lớn nhất thế giới, bởi thật khó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng một xã hội già cỗi.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo, trong 4 thập kỷ tới, dân số già hóa nhanh chóng sẽ là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Nó có tác động tới hàng loạt các lĩnh vực như phúc lợi xã hội, y tế cộng đồng và sự thịnh vượng kinh tế.
Hiện số lượng người trên 65 tuổi đang chiếm 10% tổng dân số toàn cầu, nhưng con số này được dự báo sẽ nhanh chóng tăng lên mức 22% vào năm 2050.
Không chỉ Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức lớn về dân số, mà nhiều quốc gia khác ở Đông Á cũng đang hứng chịu hậu quả từ tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh giảm mạnh.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới dự báo rằng, chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe người già và chi trả tiền hưu bổng tại các quốc gia Đông Á như Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tăng mạnh. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về gánh nặng không nhỏ đối với ngân sách khi số lượng người già ngày một tăng lên, trong khi kinh tế lại giảm tốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.