Đan Phượng nổi lên là điển hình về phương pháp làm mới và năng động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cấy lúa sang phát triển các mô hình vườn ruộng.
Trồng hoa chất lượng cao tại xã Song Phượng đang khẳng định ưu thế trong nông nghiệp.
Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Song Phượng, xã Song Phượng, Tạ Thị Hải dẫn chúng tôi thăm đồng đến mỏi chân mà vẫn chưa đi hết cánh đồng trồng hoa thôn Tháp và thôn Thu Quế. Thấy tôi ngạc nhiên ở đây ruộng đồng bằng phẳng thẳng cánh cò bay, Phó Chủ nhiệm Hải tự hào cho hay, Song Phượng đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa (DĐĐT) từ nhiều năm trước, mỗi hộ gia đình bây giờ chỉ còn 1-2 thửa rộng hàng nghìn mét vuông.
Ngắm nhìn 12ha ngập tràn sắc đỏ tươi của hoa hồng, màu vàng dịu, đỏ thắm của hoa đồng tiền, sắc trắng của hoa ly trên cánh đồng Cây Sung, Mã Tàn và Xỏ Cá chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi chủ trương tích tụ ruộng đất tập trung xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao của người dân nơi đây dần được cụ thể hóa. Chúng tôi quyết định vào thăm 30 khu nhà kính trồng hoa đồng tiền để cảm nhận sự đổi thay. Công nhân Nguyễn Khắc Vĩnh, người xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm đến đây hướng dẫn nông dân xã Song Phượng kỹ thuật trồng hoa giới thiệu, đồng đất ở đây hợp với trồng hoa cao cấp, nếu chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, 1 sào trồng hoa giá trị bằng 20 mẫu lúa.
Sang thăm khu chuyển đổi từ lúa sang trồng rau xanh của xã Song Phượng, chúng tôi cũng khá bất ngờ. Trước đây, cánh đồng này chỉ độc canh cây lúa, cốt lấy gạo đủ ăn, thì nay người dân đã trồng rau sạch. Dẫn chúng tôi thăm 10ha trồng rau của 30 hộ dân khu vực chuyển đổi, Phó Chủ nhiệm Tạ Thị Hải cho biết, tuy chăm sóc tốn công hơn nhưng trồng rau sạch có thể mang thu nhập cao gấp 7-8 lần so với cấy lúa. Chủ trương của xã sẽ mở rộng diện tích khu chuyển đổi này lên 32,5ha, bà con rất phấn khởi khi nghe tin này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng phấn khởi nói, không riêng gì Song Phượng, phong trào DĐĐT, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa ở các xã, thị trấn của huyện được thực hiện xong từ lâu. Cũng từ đây các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bắt đầu được bung ra. Đến nay, nhờ DĐĐT tích tụ ruộng đất liền khoảnh tập trung nên Đan Phượng có được 10 dự án trồng bưởi Diễn với diện tích 340ha ở các xã Đan Phượng, Thọ An, Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Liên Hồng, Phương Đình, Thọ Xuân, Trung Châu, Đồng Tháp; 10 dự án rau an toàn ở 9 xã với diện tích gần 56ha; dự án trồng hoa tại xã Tân Lập, diện tích 30,8ha và nhiều trang trại, vườn trại cho thu nhập 300-500 triệu đồng/ha. Cùng với việc triển khai các dự án tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, Đan Phượng phát triển nhanh diện tích trồng lúa chất lượng cao tại xã Đan Phượng và Song Phượng, vùng sản xuất rau Phương Đình, Song Phượng, Đan Phượng, trồng ngô ngọt Trung Châu, trồng dưa chuột Phương Đình... Từ đó đã góp phần nâng giá trị thu nhập trung bình toàn huyện lên trên 100 triệu đồng/hecta.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng nhẩm tính, so sánh giá trị đầu tư trước và sau khi chuyển đổi, chi phí giống, phân bón, ngày công cho 1ha giảm gần 1 triệu đồng. Mừng hơn, sau chuyển đổi, nông dân các xã thị trấn rất phấn khởi vì mang lại lợi ích thiết thực, xóa bỏ sản xuất manh mún để nhanh chóng áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Năm 2012, Đan Phượng đặt mục tiêu, mỗi xã thực hiện ít nhất một dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các sản phẩm rau, hoa, cây ăn quả, vật nuôi đặc sản, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi... Lộ trình dài hơi, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, Đan Phượng phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích trồng rau an toàn lên 224ha, hỗ trợ đầu tư phát triển 43ha chăn nuôi tập trung và 421ha diện tích trồng cây ăn quả... sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho rằng, lợi ích sau DĐĐT của Đan Phượng là điều khẳng định, không chỉ giúp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thuận lợi, mà còn giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Theo ông Vân, DĐĐT được xem là một trong những việc làm cần thiết để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài. Kinh nghiệm DĐĐT, phát triển sản xuất nông nghiệp của Đan Phượng, là mô hình tốt để nhiều địa phương khác nghiên cứu, học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.