Ở huyện Đan Phượng, mô hình "Thôn thông minh" ra đời gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Từ chỗ mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần ít nhất 1 mô hình "Thôn thông minh", đến nay, Đan Phượng đã nhân rộng ra 101 thôn.
101 "thôn thông minh" mang rất nhiều tiện ích đến người dân và thuận lợi cho công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính - đơn vị được UBND huyện Đan Phượng giao hướng dẫn, triển khai mô hình “Thôn thông minh”, đến nay, toàn huyện Đan Phượng thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở 16/16 xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với 1.015 thành viên; 101 mô hình “thôn thông minh”, đạt 100% số thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Đối với giao tiếp thông minh, toàn huyện đã thành lập được 569 nhóm zalo của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đại diện các hộ gia đình (mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm). Các nhóm zalo là kênh tương tác, trao đổi, tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng về y tế thông minh, dịch vụ công trực tuyến, VneID, VssID... cho các hộ gia đình trên địa bàn. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận thông tin của xã, thôn nhanh chóng, chính xác, thuận tiện.
Đối với xã hội thông minh, thương mại điện tử, huyện Đan Phượng đã lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) gửi đến các xã, thị trấn, lắp đặt tại nhà văn hóa, điểm công cộng, đầu một số xóm, ngõ chính để người dân dễ dàng tiếp cận. Huyện cũng lắp 156 điểm wifi truy cập internet miễn phí để người dân khai thác thông tin, hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh.
Cùng với sự đầu tư của huyện, các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, các tổ tự quản vận động xã hội hóa cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn lắp đặt hơn 2.700 camera an ninh và hơn 1.800 đèn năng lượng mặt trời tại ngã ba, ngã tư, trục giao thông, xóm, ngõ... Các tổ tự quản định hướng cho hộ dân dần thay thế, sử dụng toàn bộ đèn năng lượng mặt trời khi bóng đèn cũ, hỏng...
Chia sẻ cách làm hay
Kết quả nổi bật trong phong trào xây dựng thôn thông minh có được trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng với nhiều cách làm hay. Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, trong nhiệm kỳ 2021-2025, Huyện ủy Đan Phượng xây dựng, ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU (ngày 20-12-2021) về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngay sau khi có Nghị quyết, UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 16-2-2022 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số huyện Đan Phượng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với sự vào cuộc quyết liệt, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đến nay, huyện Đan Phượng đạt rất nhiều kết quả tích cực.
Tại xã Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Hà cho biết, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép thực hiện Nghị quyết vào 12 hội nghị của xã; chỉ đạo Đài truyền thanh xã và các cụm dân cư tổ chức tuyên truyền thường xuyên. “Chúng tôi tuyên truyền về tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua căn cước công dân, định danh xác thực điện tử để người dân hiểu và cài đặt; lập các nhóm zalo của xã như: Nhóm các trưởng thôn, nhóm bí thư các chi bộ cụm dân cư, nhóm UBND xã… để trao đổi thông tin tiện lợi. Địa phương cũng đã niêm yết nội dung, cách thức sử dụng dịch vụ công quốc gia; tải, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VneID tại bộ phận "một cửa", trụ sở công an xã, nhà văn hóa của cụm dân cư”, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.
Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính, đơn vị đã phối hợp với Huyện đoàn, Ủy ban MTTQ huyện và các ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các cán bộ công chức xã, hội viên, đoàn viên, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn về chuyển đổi số và hướng dẫn xây dựng mô hình “Thôn thông minh”. Đồng thời, phối hợp với VNPT Hà Nội đã hỗ trợ lắp đặt pano các loại tại các điểm công cộng trên địa bàn, để tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số.
Là địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình “Thôn thông minh” của huyện Đan Phượng, ông Bùi Văn Trường, Trưởng thôn Tháp Thượng cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ đảng, Tổ trưởng tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cấp kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...
Đây là việc làm cần thiết nhằm đưa công nghệ số vào cuộc sống, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao vào các lĩnh vực hoạt động của người dân, sử dụng đa dạng các dịch vụ tiện ích nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc, đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.