(HNM) - Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của tự vệ thành Hoàng Diệu, dân quân tự vệ Thủ đô đã sát cánh cùng các lực lượng bộ đội chủ lực đan lưới lửa phòng không, chiến đấu kiên cường và tham gia bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả sau khi địch đánh phá, góp phần vào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. 50 năm đã qua, thời gian càng lùi xa, càng sáng rõ vai trò của dân quân tự vệ trong trận quyết chiến chiến lược này.
Ngày 6-4-1972, Mỹ tuyên bố ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam. Ngày 16-4-1972, Hải Phòng và Hà Nội đã bị Mỹ đánh phá. Từ đây, quân dân Thủ đô bước vào cuộc chiến đấu mới. Trong tình hình trên, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp và phân công đồng chí Trần Vỹ làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Bộ Tư lệnh đã chỉ huy 4 khu đội nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và 4 huyện đội (Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm), các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cấp tốc kiện toàn tổ chức, nhanh chóng phát triển dân quân tự vệ. 8 đại đội tự vệ tập trung (thoát ly sản xuất) của 4 khu nội thành và 4 huyện được thành lập, trong đó có 4 đại đội pháo cao xạ 100mm, có thể đánh địch ở tầm cao. Mỗi đại đội cao xạ có 5 khẩu đội với 50 người để tăng cường hỏa lực bắn máy bay địch. Những trận địa pháo tầm cao này được bố trí ở những địa bàn tiếp giáp nội - ngoại thành; đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Sư đoàn Phòng không 361 và bước vào chiến đấu từ tháng 8-1972. Ngoài ra, hàng chục trận địa pháo tầm thấp của tự vệ Thủ đô được bố trí ở nhiều điểm và phối hợp với các trận địa pháo 37mm, 57mm ở tầm trung, tạo thành thế trận nhiều tầng, nhiều lớp...
Ngoài ra, các cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên được trang bị súng máy phòng không (12,7mm, 14,5mm) để đón bắn máy bay Mỹ bay tầm thấp; nếu có dưới 70 tự vệ thì được trang bị súng bộ binh chiến đấu tại chỗ và khắc phục hậu quả bom đạn địch. Dân quân ở các xã ngoại thành tổ chức thành ba lực lượng: Chiến đấu cơ động, chiến đấu tại chỗ và lực lượng phục vụ chiến đấu.
Đến tháng 12-1972, lực lượng dân quân tự vệ toàn thành phố tham gia chiến dịch phòng không gồm 4 đại đội pháo cao xạ 100mm, 192 trận địa với 721 súng máy phòng không 14,5mm và 12,7mm, trong đó nhiều trận địa tầm thấp được bố trí trên nóc nhà máy và cả trên đỉnh cột thép cầu Long Biên. Trên 40.000 dân quân tự vệ Thủ đô được trang bị súng trường, tiểu liên, súng cối sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không; trong đó, phụ nữ chiếm 45% tổng số dân quân và 35% tổng số tự vệ của toàn thành phố. Tiêu biểu nhất là Trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 (khu Hai Bà Trưng); Đại đội nữ Hợp tác xã Dệt Thành Công (khu Ba Đình); Đại đội nữ dân quân Lộc Hà (huyện Đông Anh).
Trên cửa ngõ bảo vệ Thủ đô, dân quân tự vệ các huyện của Hà Tây (cũ) tổ chức được 267 trận địa và được cấp trên bổ sung thêm nhiều pháo tầm trung, súng máy cao xạ, đại liên… đón đánh máy bay địch vào Hà Nội từ các hướng Đông Nam, Tây và Tây Bắc.
Lưới lửa phòng không tầm cao - tầm trung - tầm thấp của dân quân tự vệ là một bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân “đất đối không” khi Thủ đô đã trở thành chiến trường khốc liệt đánh lại địch có sức mạnh kỹ thuật, vũ khí vượt trội - cuộc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã chỉ huy các huyện lập hệ thống đài quan sát để đếm bom rơi xuống các điểm khi máy bay Mỹ oanh tạc, báo về huyện đội, từ đó giúp các lực lượng khắc phục hậu quả địch đánh phá như: Cứu sập, cứu thương, sửa cầu đường… được kịp thời. Dân quân các làng xã được tập trung về Bộ Tư lệnh Thủ đô học cấp tốc những kiến thức cơ bản để trực chiến, làm nhiệm vụ. 36 đài quan sát với 414 cơ sở đã được lập trên những vị trí quan trọng như: Cầu Đuống, Ngọc Hồi, Chèm, Canh… Tiêu biểu như đài quan sát xã Giang Biên có 4 nữ dân quân do chị Nguyễn Thị Tý làm Tổ trưởng đã “chốt” trên đê sông Đuống, đếm bom rơi, đánh dấu từng khu vực có bom, giúp bộ đội cao xạ rất hiệu quả, góp phần bảo vệ cầu Đuống, khu vực Yên Viên, Đức Giang.
Không chỉ tham gia chiến đấu, lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô cũng tích cực góp sức cùng các lực lượng bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường huyết mạch và khắc phục hậu quả sau khi địch đánh phá. Ở các bến phà trên sông Hồng, sông Đuống như: Chèm, Chương Dương, Bác Cổ, Khuyến Lương, Đông Trù…, dân quân tự vệ đã góp phần bảo vệ bến an toàn, cùng công binh rà phá bom chưa nổ dưới lòng sông để cho xe qua trong những giờ tương đối an toàn. Trên các tuyến đường bộ, dứt tiếng bom đạn, dân quân lao ra sửa chữa đường, nhất là các trọng điểm như cầu Chui, Đuôi Cá, Ngọc Hồi để thông đường, bảo đảm an toàn cho xe ra tiền tuyến.
Không chỉ đánh phá huyết mạch giao thông, Mỹ còn muốn hủy diệt Thủ đô với dã tâm làm cho Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Trong 12 ngày đêm, chỉ tính riêng khu vực nội, ngoại thành (gồm 4 khu phố và 4 huyện), địch tập trung đánh phá hơn 830 điểm, nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhà ga, kho hàng hóa, khu phố, trường học bị phá hủy, hàng nghìn người bị giết hại. Trong đau thương, dân quân tự vệ vẫn là lực lượng nòng cốt, nhanh chóng làm nhiệm vụ tìm kiếm, sơ cứu người bị thương để đưa lên tuyến trên kịp thời; đồng thời bốc vác, vận chuyển hàng hóa, máy móc để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Dân quân tự vệ đã chiến đấu và phục vụ bộ đội chủ lực với quyết tâm và ý chí cao độ của người Hà Nội anh hùng, góp phần vào chiến công chung của các lực lượng vũ trang Thủ đô là bắn rơi 25 chiếc B-52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, được bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình ca ngợi Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Bản anh hùng ca của Thủ đô Hà Nội trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ hai, mà trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là đỉnh cao của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và lòng khao khát, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam. Người Hà Nội đã thể hiện khí phách hiên ngang: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là con người”. Con người là yếu tố quyết định để vượt mọi nguy nan, giành và giữ lấy quyền sống trong tự do, hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.