(HNM) - Sống xung quanh khu xử lý chất thải rắn, người dân ba xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (Sóc Sơn) chịu nhiều thiệt thòi do ô nhiễm không khí, nguồn nước…
Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Tạ Hồng Thái, khi bãi chôn lấp, xử lý rác thải mở rộng sang Bắc Sơn, suối Cầu Nai bị ô nhiễm nặng nề, nước đen kịt, hai bên bờ đọng đầy rác. Thực tế này trái ngược với báo cáo đánh giá tác động môi trường. Người dân đang có tư tưởng bỏ làng do không chịu được ô nhiễm.
Một góc Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt |
Cùng chung suối Cầu Nai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ Nguyễn Văn Hải cho biết, trước đây người dân vẫn sử dụng nước suối để tưới cho lúa, nhưng nay bơm nước vào ruộng là lúa chết. Sau khi thu hồi đất, diện tích canh tác thu hẹp mà lúa không sống nổi nên người dân rất bức xúc. Nhiều cựu chiến binh trong xã đòi chặn xe rác không cho vào khu xử lý, chính quyền cơ sở giải thích, thuyết phục rất khó khăn. Trong khi đó, một số công trình an sinh xã hội hỗ trợ đời sống nhân dân khu vực ô nhiễm lại chậm triển khai. Ông Nguyễn Tiến Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn - một trong ba xã chịu nhiều ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn kể khổ: "Gọi là đầu tư đặc thù nhưng thực tế suốt 13 năm qua, người dân mới được "hưởng" 2,3km đường, 4 phòng học mầm non. Xã đề nghị tổ chức khám sức khỏe cho nhân dân 4 thôn thì mới triển khai được 2 thôn. Một số trạm cấp nước sạch hoàn thành, đưa vào vận hành thì làm mất nước giếng khoan của người dân xung quanh. Không làm thì thôi, chứ làm xong chính quyền địa phương lại khó ăn khó nói với dân. Dân mắng chính quyền chẳng làm được gì cho dân".
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt thừa nhận: "Kỳ họp HĐND nào, cử tri ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ cũng kiến nghị xem xét, đánh giá lại mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh bãi chứa chất thải và mở rộng phạm vi vùng ảnh hưởng được hỗ trợ. Dân bảo, khi quan trắc thì trời lặng gió, phạm vi ảnh hưởng hẹp nhưng hôm nào có gió thì cách xa vài kilômét đã phải ngửi mùi hôi thối". Ông Nguyệt đề nghị, khu vực này phải được đầu tư đặc biệt chứ chỉ chờ hỗ trợ thì không biết bao giờ mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho khu liên hợp xử lý và vùng ảnh hưởng của ba xã cơ bản đã hoàn thành, trong đó từ ngày 5-2-2013 đã cấp nước cho 97 hộ dân xã Hồng Kỳ. Tại xã Nam Sơn, nhà thầu đã vận hành thử hệ thống cấp nước và đấu nối đến hộ dân trong tháng 5. Tại xã Bắc Sơn, phần mạng cấp nước đã hoàn thành, 2 trạm bơm đã lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án khu tái định cư, nghĩa trang phục vụ giải phóng mặt bằng, việc giải quyết kiến nghị của nhân dân về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trạm y tế, trường học cho vùng bị ảnh hưởng môi trường còn chậm.
Với các dự án hỗ trợ do huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư, UBND huyện cho biết, đến nay đã có 31 dự án được chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư (Nam Sơn 7 dự án, Hồng Kỳ 8 dự án, Bắc Sơn 16 dự án). 6 dự án đã được thành phố bố trí 93 tỷ đồng (gồm 2 dự án giao thông, 3 dự án cải tạo trường học, 1 dự án thủy lợi), còn thiếu 466 tỷ đồng nên đang phải dừng thi công. Trong khi đó, 14 dự án khác đã được duyệt nhưng chưa có vốn triển khai, với nhu cầu vốn khoảng 380 tỷ đồng. Bên cạnh việc kiến nghị thành phố chỉ đạo bố trí vốn cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư, huyện Sóc Sơn đã đề nghị Sở Xây dựng, Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ các dự án được giao; Sở Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu mở rộng bán kính hỗ trợ vùng ảnh hưởng; Sở Y tế xem xét cấp bảo hiểm y tế cho nhân dân ngoài vùng ảnh hưởng môi trường 500m (khoảng 9.000 hộ) theo nguyện vọng của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.