Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân “bức hại”, chính quyền sở tại làm ngơ

Chí Đạo - Đào Huyền| 06/12/2010 07:04

182 điểm tập kết cát không phép; từ đầu năm đến nay chỉ giải quyết được 15 vụ vi phạm * Chính quyền cơ sở “lờ” chỉ đạo của UBND thành phố


Sự chồng chéo, không thống nhất trong công tác quản lý là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vi phạm Luật Đê điều khó xử lý dứt điểm.       Ảnh: Lê Tuấn


Mặc dù ngày 22-10-2010, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 8481/UBND-NN yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý việc khai thác, tập kết VLXD ở lòng sông, bãi sông nhưng đi dọc tuyến đê sông Hồng địa phận các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng... vào thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12, chúng tôi thấy các bến bãi tập kết, trung chuyển cát, sỏi vẫn hoạt động tấp nập với những núi cát cao lừng lững.

Có mặt tại bến bãi của ông Đoàn Văn Thiêm ở xã Cẩm Đình, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến 1 băng chuyền đang hút cát từ sà lan dưới sông Hồng lên bãi. Trên bến, các chủng loại xe tải từ hạng nặng đến vừa và nhỏ lặc lè cát lần lượt vượt qua tuyến đê Hữu Hồng. Ông Thiêm cho biết, lượng cát tập kết hiện vào khoảng 2.000m3. DN đã hợp đồng thuê bến bãi với UBND xã Cẩm Đình đến năm 2014 nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép mở bến bãi. Trao đổi với PV Hànộimới, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho biết, sắp vào mùa nước kiệt nên chủ kinh doanh đã tăng công suất tối đa, trung chuyển, tập kết cát. Hiện Phúc Thọ đang tồn tại 9 bến, bãi vi phạm ở các xã Sen Chiểu, Phương Độ, Cẩm Đình, Vân Phúc nhưng việc giải tỏa chưa thực hiện, các chủ kinh doanh bến bãi tiếp tục tích trữ cát với khối lượng rất lớn.

Theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, điểm nóng bỏng nhất là trên tuyến đê Hữu Hồng, nơi tập trung 5 điểm khai thác cát và đến 117 điểm tập kết trung chuyển VLXD. Ở khu vực này, ngoài huyện Phúc Thọ, dọc tuyến đê sông Hồng, sông Đà chạy qua Ba Vì, Đan Phượng, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín, Đông Anh và Phú Xuyên tình trạng mở bến bãi trái phép để khai thác, tập kết, trung chuyển VLXD cũng tương tự như huyện Phúc Thọ và hầu hết chưa được xử lý. Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho rằng, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh nên nhu cầu về VLXD rất lớn. Đặc biệt, dự báo mùa khô năm nay dòng nước sẽ cạn kiệt nên chủ bến bãi tận dụng tối đa mặt nước, huy động hết mức có thể để tập kết tại bến khiến vi phạm ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Thống kê của cơ quan này cho biết, toàn thành phố hiện có 217 điểm tập kết VLXD và 5 điểm khai thác cát ở lòng sông, bãi sông. Trong 217 điểm tập kết VLXD chỉ có 32 điểm có phép, 3 điểm đã hết hạn cấp phép và có tới 182 điểm không phép.

Chính quyền địa phương vẫn... ngoài cuộc


Bãi nguyên vật liệu chất cao như núi tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.
    Ảnh: Đỗ Hà


Vi phạm tràn lan nhưng kết quả xử lý rất thấp do nhiều quận, huyện chưa vào cuộc. Mặc dù các hạt quản lý đê điều trên địa bàn TP đã lập hàng trăm biên bản đối với các bến, bãi chứa VLXD vi phạm đê điều; từ đầu năm đến nay, UBND TP đã ban hành 5 văn bản vào các tháng 4, 6, 10, 11 chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh lại hoạt động khai thác, tập kết VLXD, xử lý vi phạm Pháp lệnh Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Mới đây nhất, ngày 22-10-2010, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản 8481/UBND-NN về kiểm tra, xử lý khai thác, tập kết VLXD ở lòng sông, bãi sông, tiếp đến ngày 4-11-2010, UBND TP lại ban hành Văn bản 8968/UBND-NN về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và PCLB, nhưng các địa phương vẫn chưa nghiêm túc triển khai chỉ đạo xử lý sát sao nên các vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Tính đến nay, số vụ vi phạm được xử lý rất ít, trong 222 trường hợp tập kết, khai thác, kinh doanh VLXD chỉ có 15 trường hợp được giải tỏa, trong đó 13 trường hợp ở phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây - nơi xảy ra sự cố đê điều.

Trên thực tế, để giải quyết dứt điểm vi phạm, chính quyền cấp xã, cấp huyện phải thực sự vào cuộc với trách nhiệm cao và đặt sự an toàn đê điều lên trên hết. Một nghịch lý ở đây là chính quyền xã, thôn ký hợp đồng cho sử dụng đất trong hành lang thoát lũ. Trong trường hợp các hộ này tập kết, trung chuyển, kinh doanh VLXD vi phạm Luật Ðê điều và Pháp lệnh PCLB thì cũng chính chính quyền xã là cơ quan xử lý vi phạm nên việc vi phạm dễ bị làm lơ hoặc nhắc nhở qua loa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xử lý không nghiêm, hoặc chỉ một thời gian sau là mọi hoạt động lại tái phạm như cũ. Bên cạnh đó, việc quản lý bến bãi sau khi cấp phép cũng bất cập và gặp phải những khó khăn. "Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan cấp phép khai thác tài nguyên (cát), Sở Giao thông Vận tải cấp phép hoạt động bến bãi nhưng Sở NN&PTNT trực tiếp quản lý đê điều lại không nắm được những vấn đề này. Các cơ quan cấp phép cũng gần như chưa thanh, kiểm tra xem giấy phép được cấp có thực hiện đúng hay không" - Phó Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội Phùng Xuân Dụng băn khoăn. Chính sự chồng chéo, không thống nhất này đã tạo kẽ hở cho nhiều bãi tập kết VLXD trái phép mọc lên hoặc có phép nhưng vẫn vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân “bức hại”, chính quyền sở tại làm ngơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.